Nhanh chóng tập trung thực hiện mọi giải pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó...
Tại hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với “siêu bão” Haiyan chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “siêu bão” Haiyan đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, “nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải thực hiện bằng tất cả các giải pháp để chủ động ứng phó với bão, giảm thấp nhất các thiệt hại về người và của do bão gây ra”. Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Trung ương, dừng tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão.
“Siêu bão” Haiyan sẽ vào miền Trung và đi dọc lên phía Bắc
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vào miền Trung trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão cũng như lập ban chỉ huy tiền phương để ứng phó với bão.
“Lãnh đạo, tỉnh uỷ chịu trách nhiệm trước Trung ương trong việc bảo vệ người dân. Tập trung, nỗ lực ở mức cao nhất, giải pháp nào tốt nhất phải cố gắng thực hiện”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo, yêu cầu tàu thuyền về nơi tránh trú, neo đậu an toàn, không cho tàu ra biển; chỉ đạo đảm bảo an toàn cho các công trình dầu khí nằm trong khu vực nguy hiểm... Đồng thời, thực hiện tốt công tác tổ chức di dân, đưa dân khỏi nơi nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, ven biển, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; chủ động cho học sinh nghỉ học; có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tổ chức các lực lượng chức năng túc trực, sẵn sàng cho công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Việc ngừng giao thông ở hai đầu tuyến bão, đặc biệt trên Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phải tập trung chỉ huy, sơ tán dân, hoàn tất trước 19h ngày 9/11.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch “sau bão”, tập trung khắc phục hậu quả sau bão nhất là về giao thông, điện, thông tin liên lạc, đảm bảo cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Cùng ngày, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Tổng cục, đơn vị chức năng Bộ Công an về triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan. Dự buổi làm việc có các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an.
Đại tướng Trần Đại Quang,Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh siêu bão Haiyan là cơn bão có cường độ lớn, sức công phá mạnh, được dự báo có diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chặt chẽ, nêu rõ nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp phòng, chống siêu bão Haiyan với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Để chủ động đối phó với siêu bão Haiyan, hạn chế, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra, Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Công điện của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn về đối phó với siêu bão Haiyan. Nhanh chóng tập trung thực hiện mọi giải pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó.
Phối hợp với các lực lượng chức năng trên các địa bàn kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông; thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ. Tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền và có biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người và tài sản tại nơi tránh trú; tham gia sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông trên các tuyến quốc lộ, tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ vào đất liền; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Chú trọng đảm bảo thông tin liên lạc giữa Trung ương và địa phương, giữa lực lượng Công an nhân dân với lực lượng Quân đội nhân dân và thực hiện tốt công tác ứng trực, đảm bảo các phương tiện sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời có phương án, kế hoạch khắc phục sau bão, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ, hỗ trợ đời sống cho bà con nhân dân sau bão.
Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trong lực lượng Công an nhân dân cần tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời truyền tải các thông tin về diễn biến của bão để toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân biết, chủ động phòng tránh bão; đồng thời, chú trọng phản ánh đậm nét hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống bão, giúp đỡ bà con nhân dân…
Bộ Công an
.