Trong 40 năm trời, Linda He và gia đình của chị đã áp dụng cùng một kiểu ăn cộng đồng, đó là lấy đũa cá nhân để trực tiếp gắp thức ăn chung theo truyền thống ăn uống tập thể của người Trung Quốc.
Dùng đũa cá nhân để gắp thức ăn chung làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh Covid-19 nói riêng (Ảnh minh họa của Shutterstock). |
Nhưng tháng 5/2020 này, truyền thống đó của gia đình He đã được chị thay đổi. He đã khởi xướng một cuộc “cách mạng” về bàn ăn: Chị cho thêm vào bàn một đôi đũa chuyên để gắp thức ăn từ bát hoặc đĩa chung vào bát riêng của mỗi người.
He hiện sống cùng cha mẹ và con mình ở Thượng Hải (Trung Quốc). Chị nói: “Gắp thẳng thức ăn là một truyền thống. Nhưng tôi cứ nghĩ mãi, mình nên bỏ đi thói quen này vì có nguy cơ làm lây lan bệnh tật”.
Đại dịch Covid-19 kinh hoàng đã khiến nhiều người ở Trung Quốc xem xét lại thói quen ăn uống của mình, tương tự như thái độ cẩn trọng của họ khi bắt tay hoặc ôm ấp.
Cho đũa riêng vào gắp thức ăn chung vốn đươc coi là cách thể hiện tình cảm trìu mến, “sống chết có nhau”. Nhưng virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) đã nhiễm vào hơn 83.000 người ở Trung Quốc đại lục và làm hơn 4.600 người trong số đó thiệt mạng. Thực tế khắc nghiệt này đã khiến các gia đình như He trở nên thận trọng với thói quen gắp đũa.
“Sau khi tôi làm vậy, một số người bạn của tôi nói rằng họ bắt đầu sử dụng thêm đũa cho nhiệm vụ gắp thức ăn từ đĩa/bát chung”, He tâm sự.
Theo Nhật báo Hạ Môn, trong một cuộc khảo sát khoảng 30.000 công dân ở thành phố Hạ Môn (Trung Quốc) hồi tháng 3 (tức là 2 tháng sau khi Covid-19 lần đầu được ghi nhận ở miền trung Trung Quốc), có tới gần 85% số người được hỏi cho biết, các gia đình cần phải dùng thìa riêng hoặc đũa riêng (không phải của cá nhân) để múc hoặc gắp thức ăn chung nhằm tránh lây chéo bệnh truyền nhiễm.
Giới chức Trung Quốc tin rằng việc dùng đũa hoặc thìa cá nhân để lấy trực tiếp thức ăn từ đĩa hoặc bát đựng thức ăn chung là một cách gây lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giữa các thành viên trong gia đình.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, cách lây chéo kiểu này chiếm tới hơn 83% số ca lây nhiễm theo cụm ở Trung Quốc.
Nỗi sợ lây nhiễm có thể làm thay đổi không chỉ cách ăn uống của các gia đình mà còn tác động lên cách kinh doanh của nhiều nhà hàng ở đây.
Deng Yanping, một chủ cửa hàng ở thành phố Gia Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết, chị bắt đầu dùng các đồ phục vụ ăn uống riêng biệt cũng như tạo khoảng cách giữa các bàn ăn để lôi kéo các thực khách cẩn thận quay trở lại.
Chính phủ Trung Quốc cũng từng cổ xúy sử dụng bát đũa dĩa riêng tại các nhà hàng sau khi dịch SARS bùng phát vào đầu những năm 2000.
Thời đó, chiến dịch vận động này chỉ thu được một số kết quả nhất định. Cách làm mới này bám trụ được ở một số nơi như đặc khu hành chính Hong Kong, nhưng ở những nơi khác, việc bổ sung một đôi đũa cứ phai nhạt dần cùng với đà suy giảm của dịch SARS.
Nhưng đợt Covid-19 lần này, tình hình khác hẳn. Một số giới chức địa phương hành động quyết liệt, yêu cầu các nhà hàng cung cấp thêm đũa thìa dĩa.
Nhật báo Quang Minh đưa tin: Ở Giang Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang, một nhà hàng bị phạt 50 nhân dân tệ (tương đương 7 USD) vì đã không đáp ứng được yêu cầu trên hồi tháng 5. Đây là vụ phạt đầu tiên kiểu này ở Trung Quốc.
Nhưng chị Deng cho hay, chỉ một số lượng nhỏ các khách hàng của chị là tuân theo cách ăn mới. Chị tâm sự: “Thay đổi thói quen của mọi người cần một thời gian dài. Nhưng những gì chúng tôi đang làm ít ra cũng là một sự khởi đầu tốt”.
Li Liang, một cư dân Bắc Kinh 34 tuổi, cho biết cha anh đã trách mắng anh khi anh đề nghị chia thức ăn thành các khẩu phần cá nhân để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Liang kể: “Bố tôi bảo, không, mày coi bố là người ngoài à?”.
Theo tục lệ, các bậc cha mẹ và ông bà sẽ thể hiện tình cảm bằng cách lấy đũa của mình gắp thức ăn từ đĩa hoặc bát đựng thức ăn chung rồi cho vào bát của con cháu mình. Con cái làm tương tự với cha mẹ để thể hiện lòng hiếu kính.
Giới chức Trung Quốc tất nhiên hiểu ý nghĩa văn hóa của lối ăn cộng đồng ở nước này.
Một đoạn quảng bá của chính quyền thành phố Thượng Hải nhấn mạnh: “Sử dụng đũa riêng, thìa riêng là vì tình thương yêu chứ không phải là để tạo khoảng cách... Chia thức ăn thành các khẩu phần riêng không có nghĩa là chia rẽ tình thương trong gia đình./.