Quốc tế
Cuộc chạy đua vũ trụ mới giữa Mỹ-Nga-Trung Quốc
Trung tuần tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức một sự kiện tại Nhà Trắng, trong đó giới chức Lầu Năm Góc lần đầu tiên công bố lá cờ chính thức của Lực lượng vũ trụ Mỹ. Trước đây, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chạy đua vũ trang Mỹ-Nga đã mở rộng sang thám hiểm không gian. Lần này, sau nhiều năm phát triển, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ có lẽ đang chuẩn bị cho một cuộc đua mới trong vũ trụ với cả Nga và Trung Quốc.
Mỹ tìm lại đồng minh
Hãng tin Interpreter bình luận, sự thành lập và phát triển của Lực lượng vũ trụ Mỹ có thể kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới ở ngoài vũ trụ. Nó sẽ đem đến sự quân sự hóa không gian một cách rộng lớn và đe doạ đến an ninh toàn cầu.
Những dự đoán này không phải là không có cơ sở bởi trước khi chính thức ra mắt, Lực lượng vũ trụ Mỹ còn tiết lộ video tuyển dụng của đơn vị trong đó cho thấy chỉ có 2.000 phi công đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn trong 2 tuần kiểm tra.
Hồi trung tuần tháng 5, Mỹ lần đầu tiên công bố lá cờ chính thức của Lực lượng vũ trụ Mỹ. Ảnh: Reuters |
Mạng xã hội đã "dậy sóng" trước mọi thông tin về Lực lượng vũ trụ Mỹ. Nhiều người còn ví như họ đang xem một bộ phim Hollywood thực tế miêu tả cách người Mỹ chiến đấu trong không gianvà rằng, Lực lượng vũ trụ Mỹ có thể thúc đẩy sự phát triển công nghệ vũ trụ, góp phần khám phá không gian của nhân loại. Trong khi đó, trang War on Rock thì nhận xét Mỹ đang từng bước "cải tiến những thất bại vừa qua trong không gian và tìm kiếm đồng minh mới".
Hồi tháng 2, Tướng Jay Raymond, người đứng đầu Bộ Chỉ huy không gian Mỹ, đã công khai tuyên bố rằng, hai tàu vũ trụ của Nga đang theo đuôi một vệ tinh của Mỹ. Ông này cáo buộc hành vi của Nga là "rất bất thường và đáng lo ngại".
Gần 2 tháng sau, Bộ Chỉ huy không gian Mỹ tuyên bố Nga đã thử vũ khí chống vệ tinh và khuyến cáo rằng, cả Nga và Trung Quốc đều nhận thấy Mỹ đang phụ thuộc vào hệ thống không gian.
Bộ Chỉ huy không gian Mỹ khẳng định, cả 2 nước này đang phát triển khả năng tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ trong tất cả các chế độ quỹ đạo, ở mọi độ cao. Vì thế lần này, không giống như trong quá khứ, Mỹ không thể chỉ dựa vào chính mình mà cần phải có thêm các đồng minh và đối táckhác.
Thực tế thì trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô (cũ) là hai cường quốc vũ trụ thống trị và cả hai đều làm việc siêng năng để phát triển vũ khí không gian. Các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã nỗ lực giải quyết các hệ thống chống vệ tinh. Kể từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, số lượng các quốc gia tham gia vào không gian vũ trụ đã tăng lên rõ rệt.
Khi thế giới trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống không gian, thái độ về an ninh không gian vì thế cũng thay đổi. Mỹ đã thể hiện cam kết của mình đối với an ninh vũ trụ thông qua sự hồi sinh của Bộ Chỉ huy không gian và thành lập Lực lượng vũ trụ Mỹ. Các nước khác cũng vậy. Pháp và Nhật Bản chẳng hạn, đã tuyên bố tạo ra các phi đội vũ trụ của riêng họ. NATO tuyên bố không gian là một lĩnh vực hoạt động cần thiết…
Rõ ràng, giờ đây, Mỹ có các đồng minh, những người mong muốn tạo ra một mạng lưới mạnh mẽ hơn để giám sát hoạt động bất lợi trên quỹ đạo và thiết lập một học thuyết không gian thống nhất nhằm đạt được khuôn khổ an ninh không gian kiên cường.
Washington có thể xây dựng một liên minh với các đồng minh không gian của mình để chuẩn bị hiệu quả và chiến thắng một cuộc chiến kéo dài ngoài vũ trụ.
"Nghĩa là, Mỹ nên tận dụng các đồng minh của mình để xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ hơn để giám sát và theo dõi các hoạt động trong không gian. Trong khi làm như vậy, Washington nên dẫn dắt các đồng minh và thế giới xây dựng các quy tắc và thông lệ ngăn chặn các hoạt động quân sự gây bất ổn trong không gian", bài báo trên tờ War on Rock phân tích.
Ngoài ra, theo đánh giá của tờ South China Morning Post, Mỹ cũng đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới vệ tinh giúp đánh chặn vũ khí do Nga và Trung Quốc phóng lên không gian. Kế hoạch này bao gồm phóng 150 vệ tinh có thể theo dõi vũ khí siêu âm trên quỹ đạo vào năm 2024. Cơ quan Phát triển Vũ trụ (SDA) của Mỹ đang tìm kiếm một nhà thầu thiết kế và chế tạo 8 vệ tinh có cảm biến hồng ngoại để theo dõi vũ khí siêu âm, ấn phẩm công nghệ quân sự trực tuyến của Mỹ.
Chưa hết, Mỹ còn có kế hoạch phóng hơn 42.000 vệ tinh ra ngoài vũ trụ để giám sát mọi thứ (bao gồm vũ khí siêu âm, tên lửa chống vệ tinh và các công nghệ tiên tiến khác) thuộc sở hữu của Nga và Trung Quốc. Và với sự trợ giúp của mạng truy tìm vệ tinh SDA, trong không gian, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) sẽ có khả năng đánh chặn và hạ gục tất cả các loại vũ khí trên không do Nga và Trung Quốc phóng ra.
Ứng phó của Nga và Trung Quốc
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, sau cuộc chạy đua từ thời Chiến tranh Lạnh, đến nay Nga vẫn là quốc gia duy nhất được cho là đang tiếp cận các vệ tinh của Mỹ "một cách đáng lo ngại nhất". Các hệ thống không gian rất cần thiết cho chiến tranh trên Trái đất và sự tăng trưởng lớn về số lượng các quốc gia bảo vệ vũ khí không gian có nghĩa là khả năng không gian bên ngoài sẽ được chuyển thành chiến trường đã tăng lên.
Ngày nay, Moscow theo sát các vệ tinh của Mỹ và thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của riêng mình, công khai tham gia vào hành động hiếu chiến hơn ở ngoài vũ trụ vì Kremlin nhận ra rằng lợi thế thông tin của Mỹ trong chiến tranh hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng không gian.
"Quan điểm của Moscow có thể khiến Mỹ hành động quyết liệt hơn trong không gian. Bởi bất kỳ quốc gia nào cố gắng quân sự hóa không gian sẽ dẫn đến những thay đổi trong cán cân chiến lược quốc tế. Các nước lớn khác sẽ không đứng yên và theo dõi.
Trong chiến tranh hiện đại, thông tin là chìa khóa để chiến thắng và không gian là một trong những nơi quan trọng nhất để thu thập cũng như chuyển thông tin. Tại sao? Bởi vì các công nghệ như điều hướng vệ tinh, quan sát mặt đất và truyền thông tin… đã trở thành một phần tích hợp các hệ thống chiến đấu của các cường quốc quân sự.
Điều này bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa vũ trang hạt nhân và vũ khí siêu thanh mới cũng có thể bay ngoài vũ trụ. Không một cường quốc quân sự nào sẽ chấp nhận đối mặt với các mối đe dọa rằng hệ thống dẫn đường của họ có thể thất bại, thông tin liên lạc có thể bị kẹt, hoặc hệ thống chỉ huy bị mù, điếc và răn đe hạt nhân có thể làm điên đảo", hãng Reuters bình luận.
Trong trường hợp xấu nhất, một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian có thể dẫn đến việc quân sự hóa không gian. Điều này sẽ khiến mọi người trên Trái đất bị đe dọa bởi "thanh kiếm Damocles" và khủng khiếp hơn cả vũ khí hạt nhân.
Các mảnh vụn không gian được tạo ra bởi chiến đấu ngoài vũ trụ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và có nguy cơ va chạm vào tàu vũ trụ dân sự, hoặc rơi xuống Trái đất, giết chết những người vô tội
Mạng lưới vệ tinh sẽ giúp Mỹ đánh chặn và hạ gục tất cả các loại vũ khí trên không do Trung Quốc và Nga phóng ra. ảnh: AP |
Đáng chú ý là trong các quốc gia mới nổi về phát triển vũ trụ, Trung Quốc đã đạt được thành tựu kinh ngạc trong việc thám hiểm không gian, nhất là trong những năm gần đây. Các công nghệ liên quan của Trung Quốc đang nhìn thấy sự tiến bộ tiếp tục. Và Mỹ bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và nỗ lực kiềm chế Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.
Các nhà quan sát nhận xét, Mỹ có lợi thế rất lớn về công nghệ vũ trụ so với Trung Quốc và đang tiếp tục đẩy mạnh các chương trình không gian của mình như dự kiến. Còn Trung Quốc duy trì lý tưởng cho việc sử dụng hòa bình không gian bên ngoài và phản đối vũ khí hóa nó hoặc tìm kiếm một cuộc đua nước rút để vũ trang. Nguyên do là vì Trung Quốc biết lực của mình chưa đủ.
Trong nhiều năm, Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác đã làm việc chăm chỉ và cố gắng đạt được một công cụ pháp lý quốc tế để ngăn chặn cơ bản vũ khí hóa ngoài vũ trụ hoặc một cuộc chạy đua vũ trang ở đó. Điều này sẽ không thay đổi. Trung Quốc sẽ không muốn tham gia một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian do Mỹ khởi xướng. Nhưng nếu an ninh quốc gia của Trung Quốc có nguy cơ nghiêm trọng vì điều này, Trung Quốc chắc chắn sẽ có biện pháp để đảm bảo an ninh của họ không bị tổn hại.
Nguồn: Chi Anh/CSTC/ Báo CAND