Thứ Ba, 30/06/2020, 07:46 [GMT+7]

ASEAN: Phải thượng tôn pháp luật, quyết không chấp nhận "đế chế hàng hải" ở Biển Đông

Các thành viên ASEAN cũng như các đối tác cùng chung quan điểm rằng, cần phải thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình, đồng thời không chấp nhận bất kỳ ai tự tung tự tác biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của riêng mình.

ảnh 1

Ba nhóm tàu tác chiến tàu sân bay USS Nimitz - USS Ronald Reagan va USS Theodore Roosevelt trong một hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Tây Thái Bình Dương

Yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp và nguy hiểm”

Mỹ là một trong những cường quốc, đồng thời là một bên đối tác đầu tiên của ASEAN lên tiếng hoan nghênh quan điểm của Hiệp hội thể hiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 trong việc giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Theo đó, trong tuyên bố đưa trên Twitter ngày 28-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đánh giá cao sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Phát biểu trên được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngay sau khi các quốc gia thành viên ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao 36 được tổ chức với hình thức trực tuyến cùng nhất trí về Tuyên bố Chủ tịch, trong đó bày tỏ quan ngại về những hoạt động cải tạo đất, các diễn biến, hoạt động và sự việc nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng, điều đó làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy giảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Để giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế, các nhà Lãnh đạo ASEAN nhất trí, cần tiếp tục thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, thực hiện tốt những thỏa thuận, cam kết quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, trong đó có UNCLOS 1982. ASEAN cũng tái khẳng định, UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các thực thể trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển. Cùng với đó, ASEAN kêu gọi các bên cùng nhau thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, để Biển Đông luôn luôn là một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi.

Những nhìn nhận và quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông được dư luận quốc tế, khu vực cũng như các bên đối tác và đối thoại đánh giá cao, cho rằng đó là những biện pháp đúng đắn để làm dịu tình hình căng thẳng, giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông. Là một cường quốc và một đối tác quan trọng của ASEAN, Mỹ cùng chia sẻ những quan tâm, quan ngại của các thành viên hiệp hội về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua, kể cả khi khu vực phải gồng mình ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19).

Từng nhiều lần khẳng định là một quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn gắn với khu vực này, Mỹ không chỉ chỉ trích, lên án những hành vi mà nước này cho là “gây hấn” và “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông trong việc áp đặt những đòi hòi chủ quyền bất hợp pháp. Ngoại trưởng Mike Pompeo vào ngày 2-6 vừa qua đã cho biết, Mỹ đã gửi công thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres để phản đối các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu rõ những yêu sách này là “bất hợp pháp và nguy hiểm”. 

Hành động mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc lấn tới

Cùng với việc lên tiếng hoan nghênh quan điểm đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 của các nước ASEAN khẳng định giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên án việc Trung Quốc xem Biển Đông như là “đế chế hàng hải” của mình. Việc Trung Quốc áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp để biến Biển Đông thành “ao nhà” đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh, hợp tác trong khu vực là điều không thể chấp nhận.

Trong động thái đang được cả khu vực và thế giới quan tâm, Mỹ đã biến những tuyên bố thành hành động trên thực tế để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đồng thời với cảnh báo của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Trung Quốc không được xem Biển Đông như là “đế chế hàng hải” của mình, Mỹ đã triển khai những hoạt động quân sự với quy mô lớn nhằm đáp lại những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Cùng ngày 28-6 khi Ngoại trưởng Mike Pomeo đưa ra cảnh báo trên, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã bắt đầu diễn tập hiệp đồng ở Biển Philippines “nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực”. Cuộc diễn tập này diễn ra chỉ một tuần sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz có cuộc diễn tập tương tự với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại vùng biển được mô tả là “cửa ngõ” vào Biển Đông.

Mỹ đã tiến hành các đợt diễn tập hiệp đồng giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực Tây Thái Bình Dương, với một nhóm tác chiến tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 và một nhóm tác chiến tàu sân bay tiền phương đóng tại Nhật Bản, từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng, việc ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng lúc ở Tây Thái Bình Dương như hiện nay là động thái rất hiếm khi xảy ra và càng hiếm hơn khi các cuộc diễn tập với sự tham gia của hai nhóm tác chiến tàu sân bay với tốc độ dồn dập như vậy.

Việc huy động cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân bay tới hoạt động ở Biển Đông đã khẳng định đại dịch Covid-19 không hề ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ và việc triển khai cùng lúc các nhóm tác chiến tàu sân bay cho thấy Mỹ luôn đủ sức mạnh nhằm bảo đảm quyền tự do trên biển, trong đó có Biển Đông.

Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan, nêu rõ các chiến dịch hiệp đồng của hai nhóm tàu sân bay thể hiện cam kết phản ứng nhanh chóng, linh hoạt và lâu dài của Mỹ trong thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như khả năng triển khai sức mạnh chiến đấu đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đối đầu những nước thách thức quy tắc quốc tế.

Sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nhằm trấn an đồng minh và ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng, lấn tới trong việc biến Biển Đông thành “đế chế hàng hải” của riêng mình.

 

.

Nguồn: ANTĐ