Thứ Ba, 22/10/2019, 09:32 [GMT+7]

Hoàng gia Nhật Bản và tình cảm đặc biệt với Việt Nam

Cả Thượng hoàng Akihito và tân Nhật hoàng Naruhito đều đã đến thăm Việt Nam và dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người nơi đây.

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ đăng quang của tân Nhật hoàng Naruhito trong hai ngày 22-23/10 tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, cho thấy Việt Nam mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Thượng hoàng Akihito năm 2017 (khi ông còn là Nhật hoàng) và tân Nhật hoàng Naruhito năm 2009 (khi ông là Hoàng Thái tử).

hoang gia nhat ban va tinh cam dac biet voi viet nam hinh 1
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đón Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Việt Nam năm 2017.

Chuyến thăm lịch sử của Thượng hoàng Akihito

 Trong các ngày từ 28/2-5/3/2017, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam. Ngoài các cuộc gặp chính thức với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nhật hoàng và Hoàng hậu còn dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại Việt Nam, được người dân chào đón nồng nhiệt.

Cụ thể, sáng 2/3, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã có cuộc giao lưu với các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Nhật Bản. Cuộc giao lưu ý nghĩa này diễn ra tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Nhật hoàng và Hoàng hậu đã chuyển lời cảm ơn tới các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tại Nhật Bản - cầu nối cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước; mong muốn từng cựu sinh viên, trên lĩnh vực học tập, công tác hiện tại, tiếp tục có những đóng góp thiết thực, hữu ích, vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản-Việt Nam.

hoang gia nhat ban va tinh cam dac biet voi viet nam hinh 2
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Công an nhân dân

Một trong những hoạt động đáng chú ý khác của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko là chuyến thăm Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nơi đang lưu giữ hai hiện vật do Nhật hoàng Akihito tặng là cá bống trắng.

Là người say mê nghiên cứu các loài cá nước ngọt, Nhật hoàng Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ, khi làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970. Năm 1976, Nhật hoàng Akihito đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

hoang gia nhat ban va tinh cam dac biet voi viet nam hinh 3
Tiêu bản cá bống trắng mà Nhật hoàng Akihito gửi tặng Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Công an nhân dân

Sau khi rời Hà Nội ngày 4/5, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm Đại Nội Huế. Tại đây, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã giới thiệu với Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu một số nét văn hóa đặc sắc của Huế, cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993.

Tại Huế hiện còn rất nhiều di sản được bảo tồn như cung điện, lăng tẩm... của các vua, chúa triều Nguyễn, trong đó có nhiều di tích đã được trùng tu, bảo tồn với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia từ Đại học Waseda, Đại học Tokyo...

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã nghe Nhã nhạc Cung đình Huế. Theo Hoàng gia Nhật Bản, Nhã nhạc Cung đình Nhật Bản đã có giao lưu và chịu ảnh hưởng Nhã nhạc cung đình Huế Việt Nam từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết của nước Lâm Ấp (Miền Trung Việt Nam hiện nay) sang kinh đô Nara Nhật Bản giao lưu Phật Giáo, tu tập tại chùa Đại An.
hoang gia nhat ban va tinh cam dac biet voi viet nam hinh 4
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm Đại Nội Huế và nghe Nhã nhạc Cung đình Huế. 

Cùng ngày, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm Khu lưu niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu, biểu tượng của phong trào Đông Du, gắn với Nhật Bản trong việc tìm đường cứu nước của thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ 20. Hiện nay, bia tưởng niệm bác sỹ Asaba Sakitaro, người đã giúp đỡ nhiều cho phong trào Đông Du do Nhà yêu nước Phan Bội Châu sáng lập, vẫn được bảo tồn tại thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka, là minh chứng về một tình bạn tuyệt đẹp Việt-Nhật trong thế kỷ 20.

Các hãng truyền thông quốc tế và Nhật Bản như AP, AFP, Kyodo, NHK đều nhận định, chuyến thăm Việt Nam – một trong những điểm công du nước ngoài cuối cùng của Nhật hoàng Akihito trước khi thoái vị - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Việt Nam về sự giản dị, gần gũi của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko và mối quan tâm đặc biệt của Hoàng gia Nhật Bản đối với Việt Nam.

Tân Nhật hoàng Naruhito và tình cảm với Việt Nam

Cũng như cha mình, tân Nhật hoàng Naruhito từng đến thăm chính thức Việt Nam năm 2009 khi ông còn là Hoàng Thái tử. Trong chuyến thăm này, ngoài cuộc gặp chính thức với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Hoàng Thái tử Naruhito còn có chuyến thăm phố cổ Hội An, nơi có nhiều nét tương đồng với văn hóa Nhật Bản.

hoang gia nhat ban va tinh cam dac biet voi viet nam hinh 5
Hoàng Thái tử Naruhito (áo vét sáng màu) trong chuyến thăm phố cổ Hội An năm 2009.

Hoàng Thái tử Naruhito đặc biệt quan tâm đến những ngôi nhà cổ, các sản phẩm gốm sứ có xuất xứ từ Hội An, nhất là những đồ gốm sứ kiểu Nhật Bản thế kỷ thứ 17. Trong chuyến đi dọc phố cổ Hội An, Hoàng Thái tử Naruhito đã rất ấn tượng với sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương. Ông đã nêu nhiều câu hỏi về lịch sử giao lưu trực tiếp giữa Việt Nam và Nhật Bản – thành phố mà nhiều người dân Nhật Bản từng sinh sống khoảng 4 thế kỷ trước.

Rời Hội An đến TPHCM, Hoàng Thái tử Naruhito bày tỏ hài lòng về cuộc sống tốt đẹp của hơn 3.000 người Nhật Bản tại đây cũng như hoạt động hiệu quả của 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản và nhiều dự án Nhật Bản hỗ trợ đang được triển khai. Hoàng Thái tử cũng đã đến thăm Trường Nhật Bản tại Quận 7, có buổi nói chuyện ngắn với các học sinh của trường và đến thăm Trung tâm Hợp tác phát triển Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản.

Có thể nói, cũng như Thượng hoàng Akihito, tân Nhật hoàng Naruhito là người luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Điều này được thể hiện qua 2 chuyến thăm dài ngày với hàng loạt những hoạt động thiết thực và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với người dân Việt Nam. Chính vì thế, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự lễ đăng quang của tân Nhật hoàng Naruhito được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

Lễ đăng quang của tân Nhật hoàng Naruhito

Lễ Đăng quang của Nhật hoàng Naruhito sẽ bắt đầu từ ngày 22/10 với sự tham dự của hơn 400 thượng khách là Nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao… của hơn 190 quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế.

Các quan khách được mời tham dự buổi Lễ sẽ chứng kiến Nhật hoàng Naruhito tuyên bố chính thức kế vị tại Điện Matsuno Ma bên trong Hoàng cung. Tại đây, quan khách có thể chiêm ngưỡng ngai vàng và tân Nhật hoàng trong bộ Hoàng bào chính thức của Nhật Bản.

Sau Lễ Đăng quang, Nhật hoàng Naruhito sẽ tham dự một số nghi thức Thần đạo khác có tên là Daijosai, dự kiến diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11. Daijosai là một nghi lễ mang tính bí mật nên chỉ có một số quan chức đặc biệt mới được xuất hiện./.

 

.

Nguồn: Trần Khánh/vov.vn