Quốc tế

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu

11:31, 25/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, xói mòn niềm tin và tăng giá cả tiêu dùng.

Nhà kinh tế trưởng của IMF – bà Gita Gopinath. (Ảnh: Wall Street Journal)
Nhà kinh tế trưởng của IMF – bà Gita Gopinath. (Ảnh: Wall Street Journal)

Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/5, nhà kinh tế trưởng của IMF – bà Gita Gopinath đã chỉ ra một thực tế rõ ràng rằng, người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu hậu quả từ tình trạng căng thẳng về thương mại.

Bên cạnh đó, bà Gopinath cũng cảnh báo, những tổn thất về kinh tế thậm chí sẽ còn trở nên nặng nề hơn nếu như Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi điều này sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu bị suy giảm trong ngắn hạn.

Nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chưa mạnh ở thời điểm hiện tại, song những căng thẳng mới phát sinh có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến tâm lý thị trường tài chính và kinh doanh, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa sự phục hồi dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. Qua đó, bà Gopinath gọi 2019 là “một năm nhạy cảm đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được chính thức khơi mào vào tháng 3/2018, sau khi Tổng thống D.Trump tuyên bố áp dụng mức thuế trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để “phản ứng” trước các hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc gây ra cho các công ty Mỹ. Một loạt các động thái trả đũa về thuế quan của Trung Quốc kéo theo các biện pháp gia tăng sức ép về thương mại từ phía Mỹ đã liên tiếp kéo căng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, với tổng lượng hàng hóa trị giá hơn 360 tỷ USD của cả đôi bên đã bị đưa vào diện áp thuế bổ sung.

Tổng thống D.Trump cho rằng, tiền thuế thu được là do Trung Quốc phải chi trả và số tiền đó sẽ làm gia tăng các khoản thu cho ngân khố Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia của IMF đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với lập luận trên và cho rằng, hầu hết toàn bộ khoản tiền thuế bổ sung thu được là do các hãng nhập khẩu của Mỹ chi trả, và sau đó, gánh nặng tài chính này sẽ đổ lên vai người tiêu dùng.

Tàu chở hàng tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 17/5/2019. (Ảnh: AFP)
Tàu chở hàng tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 17/5/2019. (Ảnh: AFP)

Trong thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực đàm phán để tháo gỡ bất đồng thương mại song vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể. Vòng đàm phán gần đây nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng 5/2019 cũng không thể giúp hai nền kinh tế hàng đầu thế giới “xích lại gần nhau hơn” và đưa ra một bản thỏa thuận thương mại như kỳ vọng.

Trước bối cảnh trên, Tổng thống D.Trump đã đưa ra hai sự lựa chọn đối với Trung Quốc, hoặc là ký kết một bản thỏa thuận thương mại vào thời điểm hiện tại hoặc sẽ phải đối mặt với một bản thỏa thuận “tồi tệ hơn nhiều” trong tương lai. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không nhượng bộ về các vấn đề thuộc về nguyên tắc.

Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa ấn định thời điểm cụ thể để tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo. Trong khi đó, mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục gặp sóng gió sau khi Tổng thống D.Trump tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc trả đũa bằng việc tăng thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ phản đối quyết định tăng thuế từ phía Mỹ và cảnh báo thêm rằng, điều này sẽ không chỉ gây tổn hại đến hai nước mà còn đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ hành động của mình và cho biết, mục tiêu cốt lõi của việc tăng thuế là nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng về thương mại với Trung Quốc, với con số lên tới 379 tỷ USD trong năm 2018./.

Nguồn: Thu Lan/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các tin khác