Người Nga xuất hiện
Ngày 23-3, một chiếc máy bay vận tải Antonov-124 cùng một chiếc Ilyusin-62 của Nga hạ cánh xuống sân bay Caracas ở thủ đô Venezuela, chở theo 99 binh lính Nga và 35 tấn vật tư. Phía Nga thông báo rằng lượng binh sĩ ít ỏi này được điều tới Venezuela để trao đổi với phía Venezuela về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Ít ai tin vào lý do này.
Phía Mỹ thì có vẻ cụ thể hơn khi một quan chức Mỹ nói rằng số lượng binh sĩ này của Nga là để nhằm bảo trì hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 mà Nga đã bán cho Venezuela trước đây; hệ thống này bị trục trặc do tình trạng mất điện liên tục trong thời gian gần đây ở Venezuela. Cả lý do này cũng chẳng khiến ai tin!
Mặc dù số lượng binh sĩ Nga xuất hiện ở Venezuela không nhiều, chỉ là muối bỏ biển nếu so sánh với toàn bộ lực lượng quân đội Venezuela, thế nhưng sự xuất hiện của họ ở Caracas mang tính tượng trưng, phát đi một tín hiệu không thể nhầm lẫn: Nga bắt đầu trực tiếp có mặt để hỗ trợ chính quyền Venezuela!
Bài học “khủng hoảng tên lửa Cuba”
Từ trước đến nay, Mỹ coi toàn bộ khu vực lục địa châu Mỹ là sân sau, thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình, không cho phép bất cứ một lực lượng bên ngoài nào can thiệp và gây ảnh hưởng. Quan điểm nhất quán của Mỹ luôn là “châu Mỹ là của người Mỹ” với cái ý “người Mỹ” ở đây chính là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chứ không phải ai khác. Bất cứ ai tỏ ra thách thức quan điểm này đều sẽ phải trả giá.
Thế nhưng người ta đã chứng kiến một sự thách thức mạnh mẽ với Mỹ từ một hòn đảo mang tên Cuba. Trong suốt nhiều thập kỷ, Hòn đảo tự do Cuba đã can trường chống lại mọi sức ép từ phía Mỹ, dù mạnh mẽ đến đâu.
Hồi đó, đứng trước nguy cơ Cuba bị đặt làm căn cứ tiền tiêu để tấn công nước Mỹ, các đời Tổng thống Mỹ không ngại ngần đe dọa sử dụng chiến tranh, kể cả chiến tranh hạt nhân, để giải quyết mối đe dọa.
Cuộc đọ sức giữa Nga và Mỹ ở Venezuela đã chính thức bước sang một cấp độ mới, nguy hiểm khôn lường. |
Người ta nhớ đến thời điểm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra vào tháng 10-1962, khi tên lửa đạn đạo của Liên Xô đã nằm trên các bệ phóng ở Cuba hướng vào Mỹ, trong khi Tổng thống Mỹ John Kennedy sẵn sàng cho một đòn tấn công phủ đầu hạt nhân nhằm vào các bệ phóng này để triệt tiêu mối nguy hiểm đối với Hoa Kỳ.
Cả thế giới khi ấy đã đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực mà điều chắc chắn là sẽ không có ai thắng trong cuộc chiến đó.
Chỉ có những đầu óc tỉnh táo vào phút cuối mới giúp giảm bớt được tình trạng cực kỳ căng thẳng giữa hai cường quốc Xô - Mỹ và lãnh đạo ở cấp cao nhất của cả hai phía đã có những nhượng bộ đủ để không tiến tới một cuộc xung đột hạt nhân.
Với việc những binh sĩ Nga xuất hiện ở Caracas, một lần nữa nước Nga lại xát muối vào vết thương nước Mỹ, đứng chân ngay trên vùng đất chiến lược mà Mỹ không bao giờ chấp nhận từ bỏ.
Phải chăng sẽ có một “cuộc khủng hoảng tên lửa” thứ hai như đã từng có ở Cuba hơn 6 thập niên trước, lần này là ở Venezuela?
Phản ứng của Washington
Mỹ liệu có chấp nhận sự tồn tại của một lực lượng Nga ở ngay khu vực vẫn tự coi là “sân sau” của mình hay không?
Dĩ nhiên là không!
Chỉ 3 ngày sau khi các binh sĩ Nga xuất hiện ở Caracas, ngày 26-3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật chống lại ảnh hưởng của Nga ở Venezuela. Nếu dự luật này được Thương viện Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump ký thì sẽ có hiệu lực pháp lý.
Dự luật này yêu cầu trong vòng 1 tháng kể từ khi có hiệu lực, Ngoại trưởng Mỹ cần đệ trình một phương án chiến lược để chặn đứng sự hợp tác Nga-Venezuela theo quy định của đạo luật, trong vòng 3 tháng phải đánh giá mối đe dọa tiềm ẩn của việc các công ty năng lượng lớn của Nga mua cơ sở hạ tầng năng lượng của Citgo, một công ty của Venezuela nằm trong lãnh thổ Mỹ.
Cũng sau 120 ngày, Ngoại trưởng Mỹ phải báo cáo Quốc hội về tình hình hợp tác an ninh giữa Moscow và Caracas, đưa ra đánh giá về mối đe dọa tiềm tàng của quan hệ này đối với Mỹ và các nước ở Tây bán cầu...
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nói rằng nếu Nga vẫn chủ tâm làm gia tăng căng thẳng ở Venezuela thì Mỹ và các nước thuộc khu vực Mỹ latinh sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Ông S.Lavrov đáp lại rằng các nỗ lực của Mỹ tổ chức một cuộc đảo chính và đe dọa chính phủ hợp pháp ở Venezuela là hành động công khai can thiệp vào nội bộ của nước khác.
Thủ tướng Nga Medvedev thì tuyên bố “Học thuyết Moroe” tiếp tục một lần nữa trở thành ưu tiên của Mỹ. Học thuyết mang tên vị Tổng thống Mỹ hồi thế kỷ 19 này cho phép Hoa Kỳ can thiệp vào một nước nào đó ở Bắc Mỹ hay Nam Mỹ nếu như cho rằng một nước châu Âu nào đó lập thuộc địa hay can thiệp vào các nước này.
Như vậy là sau những cuộc đọ sức ở cấp độ ngoại giao, khi cả Nga và Mỹ lần lượt phủ quyết các dự thảo nghị quyết của nhau đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan đến vấn đề Venezuela, giờ đây, cuộc đọ sức giữa Nga và Mỹ ở nước cộng hòa nhiều dầu mỏ này đã chính thức bước sang một cấp độ mới, nguy hiểm khôn lường.
Căn nguyên lớn nhất: dầu mỏ!
Câu hỏi đặt ra là vì sao cả Mỹ và Nga đều tỏ ra cương quyết không khoan nhượng trong đối đầu ở Venezuela?
Với Mỹ, câu trả lời khá đơn giản: dầu mỏ. Venezuela là một trong những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và tất nhiên Mỹ không thể bỏ qua cơ hội kiểm soát nguồn dầu lửa của nước này, qua đó quyết định những yếu tố mang tính then chốt trên thị trưởng dầu mỏ thế giới, đặc biệt là giá dầu.
Còn với Nga, câu trả lời phức tạp hơn. Dĩ nhiên Nga muốn phá vỡ toan tính dầu mỏ của Mỹ, không thể để Mỹ một mình một chợ kiểm soát nguồn dầu mỏ ở Venezuela, qua đó chi phối giá dầu và như vậy có khả năng tác động đến giá dầu trên thị trường thế giới và như vậy, sẽ tác động đến Moscow bởi bản thân Nga cũng là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.
Nhưng sâu xa hơn, bằng việc quyết đoán hiện diện ở Venezuela, Nga muốn nhằm thẳng vào sân sau của Mỹ, buộc Washington phải có những thỏa hiệp mang tính chiến lược đối với Nga. Nói cách khác, bằng việc công khai đối đầu với Mỹ ở Venezuela, Nga muốn đánh vỡ những tuyến bao vây Nga là các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước do Mỹ đứng đầu nhằm vào Nga bấy lâu nay.
Đó là những tính toán chiến lược mà Nga nhắm tới khi đưa quân trực tiếp có mặt ở Caracas và theo tính toán của nhiều chuyên gia, nó ít rủi ro hơn nhiều so với việc Nga đưa quân tham chiến trực tiếp ở Syria từ tháng 9-2015.
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 mà Nga đã bán cho Venezuela trước đây. Ảnh: L.G. |
Tay chơi mới
Trong “cuộc chơi” chiến lược này, bất ngờ xuất hiện một tay chơi mới: Trung Quốc.
Sau khi Venezuela lâm vào tình trạng mất điện trên diện rộng (mà chính quyền Tổng thống Maduro cáo buộc là bởi các hành động phá hoại do Mỹ giật dây), Trung Quốc tuyên bố muốn giúp Venezuela khôi phục nguồn cung ứng điện.
Trung Quốc cũng không chấp nhận đoàn đại biểu của chính quyền ông Juan Guaido được Mỹ thừa nhận tham gia hội nghị Ngân hàng Phát triển châu Mỹ tổ chức ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc. Kết quả là Mỹ buộc phải can dự và hội nghị thường niên này đã bị hủy.
Tiếp đó, trong một động thái bất ngờ khác, Trung Quốc đã gửi 65 tấn thuốc men và 120 binh sĩ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tới đảo Margarita của Venezuela để cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ quân nhu cho lực lượng chính phủ nước này.
Đại sứ Trung Quốc tại Venezuela khẳng định rằng sự hiện diện của một số binh sĩ PLA chỉ nhằm đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hợp tác mà hai chính phủ đã ký kết trước đây, trong đó có việc bảo trì, sửa chữa những vũ khí mà Trung Quốc đã bán cho Venezuela.
Rõ ràng sự hiện diện của binh sĩ Trung Quốc ở Venezuela là một động thái mang tính biểu trưng rõ nét, cho thấy nước này cũng không ngồi yên khi những lợi ích của mình ở nước này, trong đó có dầu mỏ, bị đe dọa.
Một trong số những mục tiêu chiến lược của Washington nhằm kiểm soát nguồn dầu Venezuela cũng là để đẩy lùi Trung Quốc ra khỏi khu vực Mỹ latinh, một tiến trình mà Washington bắt đầu cảm thấy hơi thở đe dọa của nó đã ở rất gần rồi.
Cuộc chơi lớn ở Venezuela, vì vậy ngày càng trở nên phức tạp.
Hãy để người Venezuela quyết định vận mệnh của mình
Liệu Venezuela có trở thành một chiến trưởng ủy nhiệm như ở Syria, hay là sẽ có những thỏa hiệp mang tính chiến lược như đã từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nhiều năm trước?
Câu hỏi này khó có ngay được đáp án.
Nó tùy thuộc vào cách tiếp cận của Washington. Một sự can thiệp quân sự dẫn tới đụng độ trực tiếp với Nga (và có thể cả Trung Quốc), sẽ là một thảm họa. Một chiến dịch trừng phạt, gây sức ép mạnh về kinh tế, với các chiến dịch phá hoại tiếp tục trên diện rộng, sẽ tìm được những nạn nhân chắc chắn là người dân Venezuela.
Thế nên, lối thoát duy nhất khả dĩ tránh được thảm kịch cho cả hai bên lẫn người dân Venezuela, chính là những nhượng bộ có thể chấp nhận được và để người dân Venezuela tự quyết định vận mệnh của mình.