Quốc tế
Thử thách lớn với Thủ tướng Ấn Độ trước thềm cuộc Tổng tuyển cử
Bước vào năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ tự tin về cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5 năm nay, tuy vậy, càng đến thời điểm quan trọng này, những thách thức đối với ông và đảng Bharatiya Janata Party (BJP) cầm quyền càng lộ rõ.
Đầu tiên phải nhắc đến tranh chấp với nước láng giềng Pakistan liên quan đến khu vực Kashmir. Trải qua nhiều thập kỷ, sự bất ổn ở khu vực Kashmir như những mồi lửa chỉ chờ cơn gió lớn để bùng lên.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nam Á vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, truyền thông Ấn Độ đồng loạt đưa tin chiến đấu cơ Sukhoi 30 của lực lượng không quân nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái của Pakistan gần Bikaner, bang Rajasthan, phía Bắc Ấn Độ, nằm không xa biên giới Pakistan vào ngày 4-3 khi chiếc máy bay này được cho là đã vượt qua phạm vi biên giới giữa hai nước.
Suốt tuần qua, Ấn Độ và Pakistan đã trải qua một trong những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây, sau khi tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát xảy ra một vụ đánh bom liều chết khiến 40 binh sĩ nước này thiệt mạng. Một nhóm phiến quân có tên Jaish-e-Mohammed (JEM), căn cứ tại Pakistan đã đứng ra nhận trách nhiệm về cuộc tấn công ngày 14-2. Hai bên liên tục có những hành động đáp trả lẫn nhau không nể nang.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters. |
Ngày 27-2, máy bay của Pakistan đã vào không phận của Ấn Độ và các chiến cơ của hai nước đã xảy ra một cuộc đụng độ trên không với ít nhất một máy bay của Ấn Độ bị bắn hạ và phi công điều khiển máy bay này đã bị Pakistan bắt giữ. Ngày 1-3, phi công này đã được thả về Ấn Độ.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi đây là “nghĩa cử hòa bình” nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai bên và xoa dịu những cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Tuy thế, chưa ai có thể khẳng định được rằng tình hình hai nước sẽ yên bình hơn, khi quân đội của Ấn Độ vẫn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu sau “nghĩa cử hòa bình” từ phía người hàng xóm phía Bắc.
Những diễn biến gần đây khiến cộng đồng quốc tế thêm lo ngại rằng tranh chấp leo thang giữa hai nước có sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ biến tướng thành một cuộc chiến hạt nhân thực sự. Thêm nữa, cuộc chiến với Pakistan còn khiến quân đội Ấn Độ lộ ra cả loạt yếu điểm dù nước này đã đổ không ít tiền vào việc hiện đại hóa và trang bị quân sự.
Trong khi tình hình biên giới phía Bắc còn nhiều bất ổn, Ấn Độ tiếp tục đối mặt với một thách thức về kinh tế khác từ phía Mỹ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4-3 tuyên bố chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại có tên GSP (Generalized System of Preferences hay Hệ thống ưu tiên tổng quan) đối với Ấn Độ.
Chương trình này giúp miễn thuế đối với lượng hàng xuất khẩu trị giá đến 5,6 tỷ USD từ Ấn Độ sang Mỹ. Với động thái này của Mỹ, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể sẽ là mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại của Washington.
Trước diễn biến này, Ấn Độ tỏ ra khá mềm mỏng và thận trọng, đồng thời cho biết sẽ không đề cập đến việc đáp trả thuế quan trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Hồi tháng trước, Ấn Độ cũng đã hoãn việc tăng thuế cho đến ngày 1-4 đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ đã công bố trước đó, một động thái nhằm trả đũa cho việc chính quyền Tổng thống Trump không loại Ấn Độ khỏi danh sách áp thuế nhôm và thép mới.
Theo Reuters, Ấn Độ là nước hưởng lợi lớn nhất trên thế giới từ chương trình GSP và việc chấm dứt sự tham gia của nước này trong chương trình sẽ là hành động trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với quốc gia Nam Á này kể từ khi ông Trump nhậm chức năm 2017.
Nếu chính thức được đưa vào thực tiễn, nông sản, thủy sản và thủ công mỹ nghệ sẽ là các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ động thái mới của Mỹ, theo Ajay Sahai, Giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ cho biết. Theo các chuyên gia, đây có thể sẽ trở thành một trong những vấn đề bị phe đối lập tận dụng để gây khó dễ cho Thủ tướng Naremdra Modi trước thềm cuộc bầu cử Ấn Độ năm nay.
Ông Modi từng chỉ ra những thành tựu về đối ngoại của mình, trong đó có việc Ấn Độ gia tăng sức mạnh ngoại giao và tăng cường quan hệ chiến lược với các cường quốc như Mỹ.
Dù thế, mối quan hệ cá nhân giữa ông Modi và ông Trump lại hết sức hạn chế, các cuộc gặp giữa hai nguyên thủ cũng ít thường xuyên hơn so với những cuộc gặp như của ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vòng tổng tuyển cử tại Ấn Độ diễn ra vào tháng 5 năm nay được dự báo sẽ là cuộc đua cam go giữa đảng BJP cầm quyền với phe đối lập.
BJP tự tin sẽ có kết quả tốt tại cuộc tổng tuyển cử lần này bất chấp những thất bại gần đây trong các cuộc bỏ phiếu ở cấp độ bang vào tháng 12-2018, khiến Thủ tướng Modi chịu thất bại lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2014 và làm tăng sức mạnh cho đảng Quốc đại đối lập và các đồng minh của đảng này trước cuộc tổng tuyển cử.
Báo chí Ấn Độ cho rằng, Thủ tướng Modi đang chịu áp lực trước hàng loạt vấn đề hóc búa từ biên giới phía Bắc đến một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ, đồng thời, phải đưa ra một chiến lược nhằm chấn hưng BJP nếu không muốn đảng này tiếp tục trượt dốc trước cuộc tổng tuyển cử.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng ông Modi nhiều khả năng sẽ vẫn có được nhiệm kỳ 2, nhưng lần này sẽ khó có một chiến thắng áp đảo như hồi năm 2014 trước một loạt vấn đề nan giải hiện nay.
Nguồn: Duy Tiến/Báo CAND