Ngày 24/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt có các cuộc hội kiến với đồng chí Thongloun Sisoulith, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào và đồng chí Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào.
Tại các cuộc hội kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou và các đồng chí lãnh đạo Lào - những người bạn, người đồng chí anh em thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò quan trọng của chính phủ, quốc hội hai nước và kết quả hợp tác giữa hai chính phủ, hai quốc hội trong thời gian qua; mong muốn hai chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành của hai nước triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai nước và đề nghị hai quốc hội hoàn thành tốt hơn nữa vai trò thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của hai đảng; kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các thỏa thuận của hai nước.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou một lần nữa chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội Việt Nam tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước; thông báo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tình hình kinh tế - xã hội của Lào sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và kết quả triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, hai quốc hội Việt Nam và Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông báo với các nhà lãnh đạo Lào về kết quả hội đàm tốt đẹp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith, khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, hai đảng, hai nước cần luôn đoàn kết, gắn bó, làm hết sức mình để đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng khăng khít, truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh hai chính phủ hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các thỏa thuận cấp cao, nhấn mạnh các kết quả hợp tác giữa hai chính phủ đã góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế-xã hội hai nước, cũng như góp phần thiết thực vào việc tăng cường mối quan hệ thủy chung, trong sáng, mẫu mực, đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh công cuộc đổi mới của Việt Nam và Lào đang bước vào giai đoạn then chốt, đòi hỏi hai bên càng phải gắn bó chặt chẽ, thúc đẩy quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển sâu rộng, hiệu quả, bền vững, trong đó hợp tác giữa hai chính phủ là cốt yếu và vô cùng quan trọng.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou đều khẳng định quyết tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, Lào cũng sẽ làm hết sức mình để giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào; không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước.
Chia sẻ với ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc hai bên cần mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng Thongloun Sisoulith khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nâng cao chất lượng hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước; triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước tương xứng với quan hệ đặc biệt Việt-Lào.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhấn mạnh Lào khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sang đầu tư tại Lào, nhất là các dự án về năng lượng, giao thông vận tải, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá hai nước, phòng, chống tội phạm buôn bán và vận chuyển ma túy qua biên giới, bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào; thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế, khu vực; phối hợp chặt chẽ với Campuchia triển khai thực hiện tốt các nội dung Thỏa thuận giữa ba thủ tướng về tam giác phát triển; xử lý tốt vấn đề an ninh nguồn nước sông Mekong trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực; phối hợp tạo chuyển biến tích cực, thực chất về chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực./.