Quốc tế

Đường đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Trump cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

16:43, 27/02/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong thập niên đầu tiên sau chiến tranh, hai bên gần như cắt đứt mọi quan hệ, song không có vụ va chạm nào đáng kể. Tuy nhiên, vì thiếu lòng tin vào nhau, Mỹ đã nhiều lần cố gắng do thám các hoạt động của Triều Tiên, khiến phía Bình Nhưỡng phản ứng cứng rắn.

 Tháng 1-1968, khi tàu do thám cải trang USS Pueblo của Mỹ bí mật hoạt động gần bờ biển Triều Tiên, các binh sĩ của Bình Nhưỡng đã lập tức áp sát và bắt giữ con tàu này. Vụ việc khiến một thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 82 người khác phải đầu hàng.

Các quân nhân Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên trong 11 tháng và chỉ được thả khi các nhà đàm phán Mỹ đồng ý ký một tuyên bố thừa nhận con tàu này đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải của Triều Tiên. Bình Nhưỡng sau đó đã tiến hành trưng bày tàu Pueblo ở thủ đô tới tận ngày nay, khiến nó trở thành tàu hải quân duy nhất của Mỹ bị nước ngoài giam giữ.

Vài tháng sau sự cố trên, tháng 4-1969, Triều Tiên lại bắn hạ một máy bay trinh sát của Mỹ khi chiếc máy bay này quần thảo phía trên bầu trời do Bình Nhưỡng kiểm soát. Vụ việc lập tức khiến Lầu Năm Góc xây dựng loạt phương án quân sự trả đũa, vốn có thể làm tái diễn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ sau đó quyết định không tiến hành đáp trả bằng biện pháp quân sự.

Một trong những vụ đụng độ nghiêm trọng khác giữa hai bên xảy ra vào năm 1976, khi hai sĩ quan Mỹ bị binh sĩ Triều Tiên chém tử vong tại làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên. Sự cố đáng tiếc bắt nguồn từ việc các binh lính phía Mỹ - Hàn tìm cách chặt hạ một cây bạch dương do nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Il-sung trồng.

Vụ việc này khiến Mỹ phản ứng bằng cách điều loạt chiến đấu cơ B-52 có khả năng mang bom hạt nhân về phía DMZ để đe dọa Triều Tiên. Căng thẳng chỉ dịu lại sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc lính Mỹ thiệt mạng.

Sau vụ đổ máu trên, hai bên có cách tiếp cận cân nhắc hơn cũng như kiềm chế hơn nên hạn chế các cuộc xung đột tiếp theo trên thực địa. Mặc dù vậy, các vụ va chạm này cũng đã trở thành lý do để Mỹ áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận khắt khe nhằm vào nền kinh tế của Bình Nhưỡng.

Phải tới gần 4 thập kỉ sau chiến tranh, Mỹ và Triều Tiên mới có những cuộc tiếp xúc ngoại giao thực chất đầu tiên. Tháng 6-1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter có chuyến đi lịch sử tới Bình Nhưỡng và gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung.

Sau đó 4 tháng, khi ông Kim Il-sung qua đời và con trai ông là ông Kim Jong-il lên lãnh đạo rồi đặt bút ký kết hiệp định song phương với Mỹ. Theo thoả thuận lúc bấy giờ, Bình Nhưỡng cam kết giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy các lò phản ứng sản xuất điện dùng vào mục đích dân sự.

Năm 1998, Triều Tiên bất ngờ thử tên lửa đạn đạo tầm xa, khiến Mỹ tức giận. Song chỉ một năm sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-il tuyên bố hoãn các hoạt động tương tự trong tương lai. Đáp lại, Washington quyết định nới lỏng một phần lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Quan hệ giữa hai bên sau đó chứng kiến một loạt động thái thiện chí, khởi đầu bằng việc Phó nguyên soái Jo Myong Rok, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng Triều Tiên được nhà lãnh đạo đạo Kim Jong-il cử đến Mỹ tháng 10-2000, trở thành quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tới thăm "kẻ thù thời chiến". Ông Jo Myong-rok gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton và tận tay trao lá thư của ông Kim Jong-il.

Vài tuần sau chuyến thăm của ông Jo Myong-rok, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã có chuyến thăm "đáp lễ" tới Bình Nhưỡng để nỗ lực thu xếp một chuyến thăm Triều Tiên cho Tổng thống Clinton. Bà là quan chức Mỹ cấp cao đương nhiệm đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp kéo dài nhiều phút với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

Mặc dù sau này, chuyến công du tới Triều Tiên của ông Clinton không hề được tiến hành khi ông này còn đương chức, song quãng thời gian trên vẫn được xem là khoảng "tan băng" hiếm hoi trong quan hệ Mỹ - Triều.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ George W.Bush nhậm chức vào năm 2001. Washington lập tức quay trở lại lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng. Căng thẳng giữa hai bên tái bùng phát vào năm 2002 khi ông Bush xếp Triều Tiên, bên cạnh Iran và Iraq, vào danh sách các quốc gia gây phương hại an ninh Mỹ.

Cuối năm đó, Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật tiến hành chương trình làm giàu nguyên liệu hạt nhân Uranium, vi phạm hiệp định ký kết năm 1994. Các tuyên bố của Washington khiến Bình Nhưỡng tức giận và làm các cuộc đàm phán bị đình trệ vài năm.

Dưới cơ chế đàm phán 6 bên với sự tham gia của cả Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ trở lại bàn tròn với Triều Tiên năm 2003 song không đạt kết quả đáng kể. Tháng 8-2004, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi hiệp định về chương trình hạt nhân đã ký với Mỹ và chỉ trích Tổng thống Bush là "một chính trị gia tay mơ".

Trong các cuộc đàm phán khác kéo dài tới năm 2008, Triều Tiên đã dừng các hoạt động hạt nhân một lần nữa để đổi lấy các lợi ích về an ninh, kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại khi các bên bất đồng về việc làm thế nào để xác minh các bước giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vào năm 2009, Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi các cuộc đàm phán. Kể từ đó, nước này đã tiến hành hàng chục vụ thử tên lửa, hạt nhân các loại, còn Mỹ cùng Hàn Quốc cũng liên tiếp triển khai các cuộc tập trận với đủ quy mô để răn đe. Hoạt động quân sự tăng cường chóng mặt của hai bên khiến khả năng cho bất cứ cuộc đàm phán thực chất nào đều trở nên xa vời.

Đỉnh điểm, vào năm 2017, Triều Tiên thực hiện vụ nổ hạt nhân lớn nhất với lượng nổ ước tính lên tới 250 kiloton, mạnh gấp hơn 11 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản và phóng các tên lửa có thể vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ, kéo theo phản ứng dữ dội từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang có năm đầu nhiệm kì ở Nhà Trắng.

Trong suốt năm 2017, ông Trump và ông Kim Jong-un liên tục công kích cá nhân và đe dọa chiến tranh lẫn nhau. Trong khi ông Trump chế nhạo ông Kim là "người tên lửa bé nhỏ", thì nhà lãnh đạo Triều Tiên trả đũa bằng cách gọi Tổng thống Mỹ là "người lẩm cẩm loạn trí". Có những lúc căng thẳng giữa hai bên lên cao tới mức người ta đã bắt đầu tính tới nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 

Khi cả thế giới đang nín thở lo lắng, thì căng thẳng giữa hai bên lại hạ nhiệt nhanh chóng và bất ngờ trong năm 2018, với việc Triều Tiên quyết định gửi phái đoàn đến dự Olympic Mùa Đông ở Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nắm bắt cơ hội và thực hiện các nỗ lực để Bình Nhưỡng và Washington có thể đối thoại trở lại. Sau các hoạt động ngoại giao thực chất cùng nhiều vòng đàm phán căng thẳng, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu được chốt lịch.

Đúng 9h sáng ngày 12-6-2018, khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore trở thành nơi chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ tiếp xúc trực tiếp với một lãnh đạo của Triều Tiên.

Chỉ trong ngày hôm đó, hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau thêm ít nhất 4 lần nữa trước ống kính của giới truyền thông tại những thời điểm khác nhau trong các cuộc gặp được ông Trump mô tả là "rất tuyệt vời", nơi "chúng tôi" đã có một "sự gắn kết đặc biệt". Cảnh tượng này là điều không ai nghĩ tới chỉ vài tháng trước đó, khi ông Kim và ông Trump vẫn không ngừng đưa ra những tuyên bố gây "sốc" nhằm vào nhau kèm lời đe dọa tấn công quân sự.

Kết thúc cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tiếp tục gây bất ngờ khi quyết định kí một tuyên bố chung, trong đó cam kết thiết lập mối quan hệ Mỹ-Triều đáp ứng khát khao của hai dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng, nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Dù trở thành sự kiện lịch sử đảo chiều căng thẳng nóng bỏng trên Bán đảo Triều Tiên, song cuộc gặp lần đầu giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là chưa đủ để đưa ra được lộ trình thực sự phù hợp cho tiến trình phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên cũng như chưa đủ để hội tụ lòng tin giữa hai bên, bởi tiến trình phi hạt nhân hoá rõ ràng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Bên cạnh đó, hai bên vẫn còn một số bất đồng, khi Triều Tiên mong muốn phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn, cùng sự nới lỏng trừng phạt kinh tế và đảm bảo an ninh sau mỗi bước đi, thì Mỹ duy trì quan điểm đòi hỏi phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, trước khi các biện pháp cấm vận được gỡ bỏ.

Có thể nói, những thách thức thực sự vẫn còn đang ở phía trước khi lợi ích và trách nhiệm đan xét giữa nhiều bên. Bởi vậy, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều mới đây quyết định tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27 và 28-2 tới.

Giới quan sát nhận định, Việt Nam, vốn luôn cho thấy mình là một người bạn và đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia vào các quá trình hợp tác quốc tế và khu vực", sẽ mang đến nơi  "cơ hội vàng" để Mỹ và Triều Tiên giải quyết bất đồng, theo đó viết tiếp lịch sử bằng cách "cùng nhìn về một hướng" để tiến hành phi hạt nhân hóa một cách thực tế hơn, hiệu quả hơn.

"Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thấy đất nước của họ có thể cải cách, mở cửa và xây dựng mối quan hệ với bên ngoài mà không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, nền độc lập của quốc gia. Tôi có một thông điệp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng Triều tiên có thể theo con đường này", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nhấn mạnh trước cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội nhân chuyến thăm tới Việt Nam cách đây không lâu. Trong khi đó, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino ngày 7-2 cũng khẳng định, "lựa chọn Việt Nam tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đang cho thấy nhiều "triển vọng và thịnh vượng" cho mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng.

 

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác