Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201901/10-su-kien-quoc-te-noi-bat-nam-2018-832614/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201901/10-su-kien-quoc-te-noi-bat-nam-2018-832614/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2018 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 04/01/2019, 16:05 [GMT+7]

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “bắn phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, khi tuyên bố áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 50 tỷ USD, để ngăn chặn những gì mà phía Washington gọi là hành vi thương mại không công bằng và ăn cắp sở hữu trí tuệ. 

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi ngày 6-7-2018, ông chủ Nhà Trắng lại áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD “Made in China”, dẫn đến việc Trung Quốc quyết tâm “dằn mặt” áp thuế trả đũa với nhiều mặt hàng từ Mỹ và giảm mức nhập khẩu đậu nành xuống mức gần như bằng không…

Sau bữa tối kéo dài hai tiếng đồng hồ giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires (Argentina), một thỏa thuận “đình chiến” mới được thiết lập nhưng rồi “chiến tranh thương mại” lại bùng phát khi Canada bắt Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Tập đoàn công nghệ Huawei, theo yêu cầu từ phía Mỹ. 

Vụ bắt giữ này không những làm xấu đi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, mà còn kéo Canada vào vòng xoáy đáp trả ngoại giao đến từ Trung Quốc.

 

Quan hệ Hàn Quốc-CHDCND Triều Tiên chứng kiến bước ngoặt lịch sử khi lãnh đạo hai miền đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2018. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề cốt lõi nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, xây dựng hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo và phát triển quan hệ liên Triều.

Những động thái tích cực này cũng đóng vai trò lớn trong việc “phá băng” quan hệ Mỹ- Triều, tạo không khí thiện chí cho tiến trình phi hạt nhân mà cụ thể là cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại quốc đảo Singapore.

Tổng thống Mỹ đã mô tả những điều mà hai nhà lãnh đạo cùng ký kết là một thỏa thuận “rất quan trọng”. Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ được tổ chức vào năm 2019.

 

Mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Nga và Ukraine một lần nữa lại căng thẳng khi cảnh sát biển Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine với cáo buộc những tàu này xâm nhập vào lãnh hải Nga gần eo biển Kerch. Ukraine bác cáo buộc, khẳng định hải quân của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải. Ngay lập tức, các nước phương Tây tuyên bố ủng hộ Ukraine, đòi Nga thả tàu và thủy thủ...

Vụ việc đã kéo theo nhiều tranh cãi gay gắt giữa các bên, khiến những nỗ lực hàn gắn quan hệ của Nga với phương Tây của Điện Kremlin ít nhiều bị ảnh hưởng. Hệ luỵ lớn đầu tiên của sự cố này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp theo kế hoạch với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Argentina.

Cuộc gặp này từng được mong chờ bởi nó là dịp quan trọng để Moscow và Washington thảo luận về việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm Trung (INF).

 

Vụ mất tích một cách bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi (60 tuổi) sau khi đi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2-10-2018 đã dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu, kéo theo những căng thẳng ngoại giao mới đối với Arab Saudi.

Nhiều nước đã áp đặt trừng phạt lên một số quan chức Arab Saudi, đồng thời ngừng hợp tác với Riyadh trong một số lĩnh vực. Riêng, chính quyền Washington lại có cách tiếp cận khá mềm mỏng về vụ việc, với lí do Arab Saudi là đồng minh quan trọng ở Trung Đông, lại có các giao dịch hàng tỷ USD.

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Arab Saudi từ thái độ chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm, đã thừa nhận ông Khashoggi bị sát hại dã man trong một âm mưu được lên kế hoạch; đồng thời truy tố 11 người, trong đó 5 nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.

 

Ngày 8-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vốn được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama cùng với các thành viên trong nhóm P5+1 ký kết với Tehran năm 2015.

Song song với động thái này, Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Lý do mà Washington đưa ra là thỏa thuận hạt nhân không ngăn chặn việc Iran tiếp tục phát triển bom hạt nhân. Iran và nhiều nước chỉ trích hành động của Mỹ là sự "phá vỡ lòng tin vào trật tự quốc tế", đồng thời gây thêm nguy cơ bất ổn cho khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại theo đuổi quan điểm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, tìm cách né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thiết lập một kênh thương mại riêng.

Từ 17-11-2018 đến nay, thủ đô Paris và nhiều thành phố trên khắp nước Pháp đã phải đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình, bạo loạn, nhằm phản đối việc tăng thuế nhiên liệu do phe “Áo ghi-lê vàng” tổ chức vào các ngày cuối tuần.

Sự việc đã khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và nước Pháp thiệt hại hàng tỷ Euro. Trước thực trạng trên, Tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải nhượng bộ như hủy tăng thuế nhiên liệu hay tăng lương tối thiểu, dù trước đó ông tuyên bố không cúi đầu trước “chính trị đường phố”.

Theo giới quan sát, bản thân phe "Áo ghi-lê vàng" cũng đang chia rẽ, giữa một bên là những người sẵn sàng đối thoại với chính phủ và còn lại là các thành phần quá khích.

Hiện tại, những cuộc biểu tình tương tự tại Pháp đã lan sang rộng sang các lĩnh vực xã hội khác nhau tại nhiều nước châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ và cả châu Phi.

 

Sự sống còn của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 đang trở nên mong manh khi Mỹ tuyên bố sẽ rút nếu Nga không đáp ứng các điều kiện của nước này.

Chưa hết, đến hạ tuần tháng 12 năm 2018, cả Mỹ và NATO một lần nữa lại đưa ra tối hậu thư 60 ngày đối với Nga. Theo tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, liên minh này cho Nga cơ hội cuối cùng để tái thực thi Hiệp ước INF vì trước đó Nga vi phạm hiệp ước khi thông qua việc triển khai tên lửa Novator 9M729 (được NATO gọi là SSC-8).

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir  Putin tuyên bố, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF với lý do bịa đặt và chính họ từ lâu đã vi phạm nghĩa vụ của mình. Bằng chứng là Mỹ đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền Aegis ở Romania và chuẩn bị thiết lập thêm hệ thống mới ở Ba Lan.

Ông Putin cho biết, Moscow sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành nghiên cứu, phát triển, cũng như chế tạo ra tên lửa phóng từ mặt đất để đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Trong trường hợp không có thỏa thuận, Moscow sẽ phát triển 2 loại tên lửa tầm trung Kalibr (của hải quân) và Kh-101 (của không quân) thành tên lửa có thể bắn từ đất liền.

 

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Israel đã tuyên bố sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa để đánh chặn các tên lửa phòng không được cho là phóng đi từ lãnh thổ Syria. Và chỉ một ngày sau Giáng sinh (25-12-2018), Tel Aviv đã bất ngờ tiến hành giội tên lửa vào thủ đô Damascus của Syria từ không phận Lebanon.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng có các chiến dịch quân sự quy mô lớn với nhiều vũ khí hạng nặng tiến vào phía Bắc Syria nhằm lấp đầy khoảng trống mà đồng minh Mỹ để lại.

Mục tiêu của Ankara là loại bỏ người Kurd ở phía Đông sông Euphrates. Rõ ràng, quyết định rút quân của Mỹ đã tác động mạnh tới các bên tham chiến tại Syria và theo nhiều nhà phân tích, nó có thể làm thay đổi cục diện hiện nay, đưa Nga vào vị trí trung tâm trong vấn đề Syria.

Hiện một Uỷ ban Hiến pháp Syria đang được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tập trung xây dựng để đạt được một giải pháp cuối cùng là bầu cử dân chủ ở quốc gia này.

Năm 2018 chứng kiến một “cơn bão” tin tức giả tràn lan trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, kích động bạo lực, khoét sâu xung đột sắc tộc cũng như bất ổn chính trị ở nhiều nước. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở, hạ tầng trên môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, kinh tế và chính trị của các nước.

Trước bối cảnh này, một loạt quốc gia, khu vực trên thế giới đã thắt chặt luật pháp để tăng cường khả năng bảo vệ người dân, trong đó phải kể tới: Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) và Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (GDPR); Luật An ninh mạng của Australia được thông qua hôm 6-12-2018; Sắc lệnh của Mỹ về chiến lược đối phó với các cuộc tấn công mạng được Tổng thống Mỹ kí hồi tháng 9-2018; cùng nhiều luật, dự luật tăng cường an ninh mạng ở Singapore, Thái Lan, Indonesia….

Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Khoảng 15 nước khác đang gấp rút chuẩn bị để ban hành.

Tháng 9-2018 ghi nhận số người di cư bất hợp pháp tới Mỹ cao kỷ lục, chủ yếu là từ các nước Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador. Tính trong cả tài khóa 2018 (kết thúc ngày 30-9-2018), số người di cư trái phép bị các lực lượng chức năng Mỹ bắt giữ tại khu vực biên giới phía nam đã lên tới hơn 397.000 người, tăng đáng kể so với 304.000 người bị bắt giữ trong năm 2017.

Giới chức Mỹ đánh giá đây là cuộc khủng hoảng biên giới “chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ”, tiếp tục tăng sức ép lên các lực lượng hành pháp bảo vệ biên giới phía Nam và thách thức các chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Chính quyền Washington buộc phải đưa 15.000 binh sĩ đến biên giới với Mexico, đồng thời thúc ép lưỡng viện Quốc hội đầu tư cho bức tường biên giới gây tranh cãi.

 

.

Nguồn: Báo CAND