Nga sẽ phát triển các thiết bị tên lửa và xây dựng hệ thống vũ khí riêng nếu kịch bản Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trở thành sự thật.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty/Daily Star) |
Đây là thông điệp do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 5/12, nhằm đáp lại tối hậu thư của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng, Washington sẽ khởi động tiến trình rút khỏi INF trừ khi Moscow quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước này trong thời hạn 60 ngày.
Người đứng đầu điện Kremlin cho rằng Mỹ đang muốn “đổ vấy” cho Nga vi phạm các điều khoản trong INF nhằm “tạo cớ” để rút khỏi Hiệp ước này. “Các nước phương Tây đang đổ lỗi cho Nga vì xem đây là một mục tiêu dễ dàng và phổ biến. Đây là điều không đúng, chúng tôi đang chống lại kịch bản Hiệp ước này bị sụp đổ. Tuy nhiên, nếu điều đó thành hiện thực, thì chúng tôi sẽ đưa ra hành động tương xứng”- ông Putin nói.
Tuyên bố trên được ông Putin đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang căng thẳng do nhiều bất đồng chưa được tháo gỡ, trong đó có việc mới đây, Tổng thống D.Trump đã tuyên bố ý định rút khỏi INF. Hai Tổng thống Nga và Mỹ đã lên kế hoạch gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tuần trước để thảo luận về INF. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố hủy cuộc gặp này vào phút chót do những căng thẳng xung quanh vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine trên eo biển Kerch.
Không chỉ có Mỹ, hiện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang lên tiếng cáo buộc Nga phá vỡ INF khi đưa ra kết luận rằng, Moscow đã phát triển và triển khai một hệ thống tên lửa hành trình 9M729. Theo quan điểm của NATO thì thiết bị này không chỉ vi phạm tinh thần của INF mà còn đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương. Tuy nhiên, phía Nga đã nhiều lần lên tiếng phản bác lập luận này.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 5/12, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng LB Nga - ông Viktor Bondarev cho rằng, Nga cần bảo đảm các hệ thống phòng không của nước này có thể bao trùm tất cả các khu vực có thể trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF. Quan chức này nhấn mạnh tầm quan trọng và kêu gọi các bên duy trì INF, song cảnh báo rằng, nếu bản Hiệp ước bị sụp đổ thì Nga buộc phải đưa ra các biện pháp ứng phó. Theo ông Bondarev thì hiện không chỉ có Nga mà một số nước khác gồm Đức và Trung Quốc cũng tỏ quan điểm phản đối quyết định của Mỹ nhằm rút khỏi INF.
Ông Bondarev chỉ ra rằng, dù đã phản đối việc Nga triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander tại vùng Kaliningrad, song bản thân Mỹ lại triển khai các bệ phóng MK-41 có khả năng kích hoạt tên lửa hành trình Tomahawk tại Romania và Ba Lan. Quan chức này nhấn mạnh, các tên lửa Iskander của Nga chỉ có tầm bắn 480 km và không hề vi phạm tinh thần của INF.
Theo quan điểm của ông Bondarev thì INF không phải là thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên mà Mỹ phá bỏ, mà ngoài ra còn có Hiệp ước Bầu trời mở, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Công ước cấm vũ khí hóa học và thỏa thuận hạt nhân Iran. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế và tuân thủ nghiêm ngặt các văn kiện đã ký kết, gồm cả INF và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START)” – ông Bondarev nhấn mạnh.
Quan chức của Nga chỉ ra rằng, cách thức duy nhất có thể giải quyết hòa bình tình huống hiện nay đòi hỏi các bên liên quan tiến hành đối thoại trên cơ sở bình đẳng và Mỹ cần tuân thủ các thỏa thuận quốc tế./.