Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC hôm nay (18/11) bước vào ngày họp thứ 2 cũng là ngày họp cuối cùng tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.
Trước những màn đấu khẩu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại hay sự chia rẽ giữa các nền kinh tế về chính sách hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc lớn, lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ trong khu vực để đối phó với các thách thức.
APEC 2018 ở Papua New Guinea. Ảnh: YouTube. |
Cuộc họp cấp cao hai ngày với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên là cơ hội để thảo luận các thách thức kinh tế cũng như cơ hội tăng trưởng cho khu vực.
Phát biểu tại phiên họp hẹp ngày thứ 2, Thủ tướng Papua New Guinean Peter O'Neill khẳng định, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức và hợp tác cùng nhau là giải pháp để vượt qua những thách thức này.
Ông O’Neill nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của quý vị tại Hội nghị cấp cao lần này. Điều này không chỉ mang lại hi vọng cho người dân Papua New Guinea mà còn hi vọng cho cộng đồng toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á Thái Bình Dương. Để làm được điều này thì chúng ta cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước, các nền kinh tế. Thách thức đang ở phía trước và chúng ta có thể giải quyết nếu hợp tác cùng nhau”.
Lời kêu gọi của Thủ tướng nước chủ nhà được đưa ra khi Hội nghị bị phủ bóng bởi hàng loạt các vấn đề căng thẳng, trước hết là màn tranh cãi kịch liệt của Trung Quốc - Mỹ về chính sách thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/11 đã đưa ra lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng, các quốc gia đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ thất bại.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đáp lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động. Theo một nhà ngoại giao tham gia vào đàm phán Tuyên bố APEC, thương mại là một vấn đề căng thẳng và nước chủ nhà đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm ra ngôn ngữ chung được sự chấp nhận của tất cả các nền kinh tế tham gia.
Bên cạnh vấn đề căng thẳng thương mại, cũng có quan điểm khác biệt giữa các thành viên APEC về vấn đề toàn cầu hóa và tự do thương mại. Thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohamad cho rằng, cần đánh giá lại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì tiến trình này đang bỏ nhiều nền kinh tế lại phía sau, trong khi lại thúc đẩy sự bất bình đẳng.
Theo Thủ tướng Malaysia, các lợi ích của thương mại tự do và công bằng cùng hội nhập kinh tế đã bị phá vỡ, với những minh chứng từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và các cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Australia - Scot Morrison lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ thương mại tự do, với việc cho rằng một tỷ người đã được thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực kể từ năm 1991 nhờ có công ăn việc làm và hàng hóa rẻ hơn mà thương mại tự do mang lại. Trung Quốc và Nga cũng lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế thương mại, hội nghị lần này cũng chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực giữa các cường quốc lớn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp lãnh đạo một số quốc đảo Thái Bình Dương để kêu gọi sự ủng hộ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Australia nhằm tái quy hoạch một căn cứ hải quân tại Papua New Guinea.
Tuy vậy, bên cạnh các vấn đề căng thẳng phủ bóng hội nghị 2 ngày này, các nền kinh tế thành viên APEC cũng tích cực thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề chung như thành lập Hiệp định Thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương, cách thức phát triển các dự án cơ sở hạ tầng khu vực..../.