Ngày 20/10, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
Tuyên bố chung giữa Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Đan Mạch của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
***
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Đan Mạch từ ngày 19 đến 20 tháng 10 năm 2018.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen và tiếp kiến Nữ hoàng Margrethe Đệ Nhị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ các nước, đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác vì Tăng trưởng Xanh và các Mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G) lần đầu tiên do Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen khởi xướng tổ chức.
1. Hai Thủ tướng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong quan hệ song phương. Hai Thủ tướng hoan nghênh kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện giữa Đan Mạch và Việt Nam; đánh giá cao quan hệ song phương trong năm năm qua đã có bước chuyển thông suốt từ quan hệ viện trợ phát triển truyền thống sang quan hệ đối tác toàn diện tập trung vào thương mại và đầu tư, đối thoại chính trị mạnh mẽ hơn và hợp tác mang tính xây dựng trong các lĩnh vực quan trọng như tăng trưởng xanh, năng lượng, thực phẩm và nông nghiệp, giáo dục và y tế. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021, hai bên nhất trí tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác song phương trong tương lai.
2. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về quan hệ kinh tế tăng trưởng nhanh giữa Đan Mạch và Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2005 và gấp đôi kể từ năm 2012. Bên cạnh đó, đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam đã tăng gần gấp ba trong mười năm qua. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại và đầu tư song phương. Hai Bên sẽ cùng nghiên cứu khả năng tập trung hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực thế mạnh hiện tại của Đan Mạch có thể đáp ứng mục tiêu của Việt Nam về hiện đại hóa và trở thành quốc gia thu nhập trung bình ở mức cao hơn vào năm 2035. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ đối với việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam –EU (IPA), qua đó tạo thêm nhiều cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp hai bên.
3. Hai Bên đánh giá cao hợp tác và viện trợ phát triển của Đan Mạch đã đóng góp cho thành công trong phát triển của Việt Nam cũng như tăng trưởng về quan hệ kinh tế. Hai Thủ tướng ghi nhận đóng góp của chương trình Tài chính Doanh nghiệp Danida vào sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Hai Bên cam kết hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, nước, môi trường và an toàn thực phẩm, là những lĩnh vực mà các công ty và tổ chức Đan Mạch sở hữu chuyên môn và bí quyết công nghệ hàng đầu thế giới.
4. Hai Thủ tướng ghi nhận những bước phát triển tích cực trong chương trình đối tác năng lượng hiện tại và nhấn mạnh kỳ vọng Bản Ghi nhớ (MoU) mới được kí kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng, Điện nước và Khí hậu Đan Mạch sẽ đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi hướng tới một ngành năng lượng carbon thấp và bền vững tại Việt Nam. Hai bên cam kết tăng cường hơn nữa trao đổi kiến thức, chuyên môn và công nghệ giữa các bộ, địa phương, chuyên gia, công ty tư nhân và các bên liên quan khác về vấn đề năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch ngành năng lượng, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, trong đó một trong những kết quả là việc công bố Báo cáo triển vọng ngành năng lượng năm 2017 và cùng với Báo cáo triển vọng ngành năng lượng năm 2019 làm cơ sở phục vụ việc hoạch định ngành năng lượng trong tổng thể Kế hoạch phát triển ngành điện.
5. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen và Chính phủ Đan Mạch đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G và hoan nghênh cam kết của Đan Mạch trong việc phát huy tiềm năng mạnh mẽ của sáng kiến P4G. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác quốc tế nhằm đẩy nhanh sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh ở quy mô toàn cầu. Hai Bên ghi nhận những bước đi quan trọng trong khuôn khổ P4G và cam kết tích cực hợp tác cùng nhau khuyến khích các quốc gia, thể chế và khu vực tư nhân thực hiện các giải pháp cụ thể, hữu hiệu và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, qua đó đóng góp cho việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp định Paris về khí hậu.
6. Hai Bên bày tỏ ủng hộ quan hệ đối tác giữa các công ty và viện nghiên cứu của Việt Nam và Đan Mạch với mục tiêu tăng cường chuyển giao công nghệ, cũng như phát triển các công nghệ xanh mới. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam tại thị trường hai nước.
7. Hai Thủ tướng hoan nghênh hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực Đào tạo và Giáo dục Nghề kĩ thuật và hoan nghênh việc ký Ý định thư về Giai đoạn 2 Hợp tác Chiến lược Ngành giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục Đan Mạch. Đan Mạch cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các kỹ năng lao động cần thiết đáp ứng các ngành công nghiệp đang ngày càng phải cạnh tranh trên trường quốc tế. Mục tiêu là giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến khoảng cách giữa tay nghề và năng lực trên thực tế của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng dạy nghề và tay nghề và năng lực mà các ngành công nghiệp đòi hỏi trong thời đại số.
8. Hai bên ghi nhận sự giao lưu nhân dân ngày càng tăng trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế xã hội giữa Việt Nam và Đan Mạch và cam kết củng cố hơn nữa những kết nối này thông qua việc xúc tiến trao đổi văn hóa và du lịch. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và trao đổi để hoàn thành Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liệp Hợp quốc số 11 về “Các thành phố và cộng đồng bền vững”.
9. Đan Mạch tái khẳng định mong muốn hỗ trợ ngành sản xuất nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi của Việt Nam phát triển bền vững hơn. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận đối tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Thực phẩm và Môi trường Đan Mạch về an toàn thực phẩm và sản xuất lương thực bền vững. Khuôn khổ này xác định mối liên hệ giữa các ngành khác nhau cũng như giữa các bên liên quan thuộc khu vực công và tư. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy sự cố kết và toàn diện của hợp tác song phương dài hạn về An toàn Thực phẩm và sản xuất Thực phẩm Bền vững theo nghĩa rộng nhất có thể bao gồm các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký Ý định thư về việc tiếp tục triển khai Hợp tác chiến lược ngành về An toàn thực phẩm trong Chuỗi giá trị Heo giữa hai Bộ.
10. Trong bối cảnh phát triển kinh tế và lối sống ít vận động trở thành thách thức với dân số và hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu, hai Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ với những nỗ lực chung hiện tại nhằm ngăn chặn cũng như kiểm soát những thách thức này ở cấp y tế cơ sở. Hai nhà Lãnh đạo cũng bày tỏ ủng hộ hợp tác hiện có trong đào tạo và nghiên cứu và cùng khuyến khích các sáng kiến chung mới, bao gồm các giải pháp y tế điện tử.
11. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hợp quốc. Việt Nam đánh giá cao Đan Mạch đăng cai Hội nghị Chống tham nhũng quốc tế (IACC) lần thứ 18 từ ngày 22-24 tháng 10 năm 2018. Đan Mạch mong muốn được đón Đoàn với đại diện bao gồm nhiều thành phần của Việt Nam tới dự Hội nghị IACC lần thứ 18 tại Copenhagen. Hai Thủ tướng cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy pháp quyền, quản trị tốt, minh bạch, chống tham nhũng và quyền con người.
12. Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen đánh giá cao vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tháng 9 năm 2018. Hai Thủ tướng nhất trí cùng hợp tác hướng tới tăng cường liên kết khu vực giữa châu Á và châu Âu, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEM, thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa ASEAN và EU nói chung và ASEAN và Đan Mạch nói riêng.
13. Hai Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị tại Đông Nam Á. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tự do, các quyền và nghĩa vụ trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, kiềm chế không có các hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện./.