Quốc tế

Macedonia trưng cầu dân ý đổi tên nước

08:13, 01/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Ngày 30-9, Macedonia đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc có đổi tên nước thành 'Cộng hòa Bắc Macedonia' hay không, một động thái được cho là có thể giải quyết tranh chấp tên tuổi nhiều thập kỷ với Hy Lạp đã ngăn cản nước này trở thành thành viên của Liên minh châu Âu và NATO.

Ảnh minh họa, Reuters.
Ảnh minh họa, Reuters.

Hy Lạp có một tỉnh cũng được gọi là Macedonia, luôn cho rằng tên của đất nước nằm ở miền Bắc là tuyên bố rằng nước Macedonia thuộc lãnh thổ của mình.

Tranh cãi nổ ra từ năm 1991 khi Macedonia tách khỏi Cộng hòa Nam Tư. Hy Lạp cho rằng sự trùng tên này có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ, vì vậy quốc gia thành viên EU và NATO này phủ quyết việc Macedonia gia nhập hai tổ chức này. Theo đó, Macedonia gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi tạm thời là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (former Yugoslav Republic of Macedonia - FYROM).

Athens và Skopje đã ký một thỏa thuận vào tháng 6, theo đó Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ chấm dứt phản đối việc nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO.

Đồng thời, Macedonia phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc này.

Tổng thống Gjorge Ivanov cho biết ông sẽ không bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý này và một chiến dịch tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý đã nổ ra, khiến nhiều người lo ngại rằng liệu có thu thập đủ 50% sự ủng hộ cần thiết để cuộc trưng cầu dân ý có hiệu lực hay không. Để cuộc trưng cầu có hiệu lực, số cử tri tham gia bỏ phiếu phải đạt ít nhất 50% và đa số phải ủng hộ việc đổi tên nước.

Sau khi nhận được sự ủng hộ cần thiết của cử tri Macedonia trong cuộc trưng cầu ý dân này, thỏa thuận nói trên giữa hai nước cần phải trải qua một loạt quy trình khác để chính thức có hiệu lực, bao gồm việc Quốc hội Macedonia thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipas phê chuẩn.

Nguồn: Duy Tiến/Báo CAND

Các tin khác