Quốc tế
'Chìa khóa' cho một Liên minh châu Âu vững bền
Đây là lời khẳng định của Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Luxembourg Xavier Bettel trong cuộc hội đàm tại Berlin (Đức) hôm 19-2, trước thềm một cuộc họp không chính thức bàn về các thể chế và ưu tiên chính trị của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 23-2 tới, giữa các nhà lãnh đạo EU-27 tại Brussels (Bỉ).
Thách thức là cơ hội để thay đổi
Việc Anh quyết định rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit sau khi trưng cầu ý dân hồi 23-6-2016 chính là bài học đắt giá, thức tỉnh các nhà lãnh đạo của EU về việc lấy người dân làm trọng trong hoạch định các chính sách nói chung cũng như các chiến lược quốc gia nói riêng. Vì vậy, trong cuộc thảo luận chung diễn ra tại Berlin hôm 19-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã nhất trí thúc đẩy bàn thảo về một chính sách gần dân tại cuộc họp không chính thức của lãnh đạo EU-27 tổ chức ngày 23-2, tại Brussels.
Ông Xavier Bettel cho hay, đây được coi là vấn đề cốt lõi. Ngoài các vấn đề được đem lên bàn thảo luận như thành phần của Nghị viện châu Âu sau cuộc bầu cử năm 2019 và vai trò của các ứng cử viên hàng đầu, thì chính sách gần dân là một trong những trọng tâm.
Ông Bettel phát biểu: "Người dân là một nhân tố quan trọng ở mọi thời điểm khi bàn về tương lai của châu Âu. Gần dân và tập trung vào những mối quan tâm của họ hơn nữa sẽ là chính sách lý tưởng nhất cho một liên minh đoàn kết để tiến lên phía trước".
Về phía Đức, bà Merkel cũng nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, EU phải đối mặt với vô số thách thức nhưng chính những thách thức ấy sẽ được chuyển hóa thành cơ hội. Người dân đang có cái nhìn ngày càng tích cực hơn đối với nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách EU và để họ tiếp tục tin tưởng thì các lãnh đạo cần nói được, làm được.
EU-27 đang dần khởi sắc trở lại và đưa ra những hoạch định chính sách thực tế. Ảnh: Getty |
Nhận định về vấn đề nêu trên, giới phân tích chính trị quốc tế cho biết, việc cải tổ một EU gần dân sẽ từng bước giúp các chính sách được hiện thực hóa một cách dễ dàng hơn và mang đến những giá trị bền vững. Tuy nhiên, các lãnh đạo cần khôn khéo trong xử lý các nguồn thông tin, tránh việc gần dân bị "chèo lái" biến thành chủ nghĩa dân túy - mối đe dọa thường trực đối với khối, dù các đảng phái theo chủ nghĩa này không giành được kết quả khả quan tại các cuộc bầu cử (trừ Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức-AfD).
EU-27 đang khởi sắc trở lại
Cũng tại buổi hội đàm, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay, nền kinh tế EU-27 (không có Anh) đang khởi sắc, nhưng còn phải trăn trở với mô hình “đa tốc độ”, đặc biệt là vấn đề lạm phát thấp hay đồng euro tăng giá. Ngoài chính sách gần dân mang tính bao quát, trong từng lĩnh vực cụ thể EU cũng sẽ có những cải cách phù hợp và đồng bộ.
Theo dự báo, trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có những thay đổi đầu tiên bằng việc thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (QE) vốn là biện pháp bơm thêm tiền vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu. Kết hợp với mức lãi suất thấp và tín dụng ưu đãi dành cho các ngân hàng, chương trình QE nhằm khuyến khích chi tiêu và đầu tư, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Và để hướng tới việc bình thường hóa lãi suất tại khu vực Eurozone, kể từ đầu tháng 1, ECB đã thông báo về việc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu xuống 30 tỷ Euro (~36 tỷ USD)/tháng. Cho đến nay, tuy lạm phát chỉ ở mức 1,5% (chưa đạt được kỳ vọng 2%), nhưng ECB đang đi đúng hướng.
Sự khởi sắc của kinh tế thường được phản ánh rõ nét trong quốc phòng. Chính vì thế, mới đây EU đã có một bước tiến cụ thể để củng cố quan hệ giữa lực lượng quân đội các nước khi ký kết Thỏa thuận hợp tác Cấu trúc Thường trực về Quốc phòng (PESCO).
Tuy nhiên, dù nhiều quan chức châu Âu tỏ ra rất lạc quan về sự kiện này thì giới chuyên gia lại cho rằng thỏa thuận PESCO còn lâu mới có thể được xem là lực đẩy cho việc thành lập “quân đội EU” hay thậm chí là củng cố an ninh cho châu Âu. Giới quan sát nhận định PESCO “thực sự là một cơ chế đáng để xây dựng và thúc đẩy để giúp quân đội các nước châu Âu dễ dàng phối hợp hơn.
Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54 vừa diễn ra ở Munich (Đức), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại về PESCO.
Ông Stoltenberg lo ngại các nỗ lực của EU về hợp tác quốc phòng có nguy cơ làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương, tăng gấp đôi gánh nặng công việc của NATO và nhen nhóm quan điểm phân biệt đối xử với các thành viên không thuộc EU. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho rằng cần tránh để xảy ra tình trạng "công việc kép" giữa hai bên, đồng thời nhấn mạnh PESCO không phải là một phương án thay thế cho NATO mà là việc củng cố trụ cột của châu Âu trong khối quân sự này.
Phát ngôn trên của Tổng Thư ký NATO đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. Ông Gabriel cảnh báo Mỹ cần chấm dứt can thiệp vào việc công việc nội bộ của châu Âu và khẳng định không một quốc gia nào có thể chia rẽ EU.
Trước đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định hiệp ước phòng thủ mới của EU sẽ không đe dọa tới việc NATO bảo vệ châu Âu. Vai trò của khối này đã được ghi rõ trong các hiệp ước của EU, chính vì vậy không có sự thay thế hay ganh đua.
Nguồn: Như Uyên/ Báo CAND