Quốc tế
Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chính thức tuyên thệ nhậm chức
Bao kỳ vọng đang được đặt vào vị tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres.
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres hôm 12/12 sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) trước đại diện 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, một sự kiện quan trọng trước khi ông Guterres chính thức tiếp nhận vai trò này từ ngày 1/1 năm tới từ người tiền nhiệm Ban Ki Mun.
Ông Guterres. Ảnh: moroccoworldnews. |
Trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra hôm nay tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ, tân Tổng thư ký Antonio Guterres sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức. Theo dự kiến, ông Guterres sẽ có bài phát biểu vạch ra kế hoạch cho những vấn đề toàn cầu hiện nay, cũng như việc cải tổ Liên Hợp Quốc.
Ông Antonio Guterres, 67 tuổi là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm của Bồ Đào Nha. Được bầu làm lãnh đạo đảng Xã hội khi mới 43 tuổi, ông Guterres đã trở thành Thủ tướng nước này chỉ 3 năm sau đó. Trong 8 năm giữ cương vị Thủ tướng, ông Guterres được đánh giá có nhiều đóng góp vào công cuộc cải tổ hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha và đưa nước này gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Khoảng thời gian 10 năm đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn từ năm 2005-2015 có lẽ là thời điểm ông được biết đến nhiều nhất vì đã góp phần quan trọng giải quyết những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, như tại Syria, Afghanistan và Iraq.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki-moon đã ca ngợi ông Antonio Guterres là sự lựa chọn tuyệt vời để kế nhiệm ông, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá ông là một nhà lãnh đạo hiệu quả mà Mỹ luôn chờ đợi được làm việc cùng.
Tổng thống Mỹ nói: “Ông Antonio Guterres đã đắc cử một vị trí có ảnh hưởng và tác động lớn đối với toàn thế giới. Một điều may mắn là ông Guterres đã tạo được tiếng vang và làm việc hiệu quả trên cương vị người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Vì thế, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo cực kỳ hiệu quả, mà Mỹ luôn mong mong đợi được làm việc cùng."
Tầm ảnh hưởng và kỹ năng phong phú
Việc ông Antonio Guterres trở thành Tổng thư ký thứ 9 của Liên Hợp Quốc mang theo nhiều kỳ vọng, thể hiện rõ ở việc ông đắc cử mà không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào, đặc biệt là của các quốc gia ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy, ông Guterres có tầm ảnh hưởng lớn và các kỹ năng lãnh đạo thuần thục để chèo lái con thuyền Liên Hợp Quốc vượt qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử 71 năm tồn tại của mình. Đây cũng chính là một lợi thế giúp ông thực hiện những cải cách trong Liên Hợp Quốc.
Phát biểu ngay sau khi đắc cử, ông Guterres đã cam kết hành động vì một Liên Hợp Quốc hiệu quả hơn, có năng lực hơn: "Tôi tin rằng, vai trò lãnh đạo Liên Hợp Quốc là đặc biệt quan trọng, mang tính sống còn. Chúng ta cần một Liên Hợp Quốc hoạt động hiệu quả hơn, có năng lực hơn để phục vụ người dân, với những cải cách mạch mẽ về cách tiếp cận. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để theo đuổi mục tiêu này để đảm bảo Liên Hợp Quốc có thể phát huy được vai trò của mình.”
Kỳ vọng cũng mang theo những thách thức
Trọng trách của ông Guterres trên cương vị mới không hề dễ dàng. Theo Đại diện thường trực Pháp tại Liên Hợp Quốc Jean-Marc de la Sablière, một trong những bài toán hóc búa thử thách vai trò của vị Tổng thư ký mới của Liên Hợp Quốc chính là gây dựng lại sự đoàn kết trong đại gia đình Liên Hợp Quốc.
Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ cơ quan đa phương lớn nhất toàn cầu này rơi vào tình trạng thiếu đoàn kết như hiện nay. Tuy nhiên như Giám đốc chương trình HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) Michel Sidibé, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha là một con người của “công bằng xã hội”. 10 năm lăn lộn tại những điểm nóng khủng hoảng trên thế giới để thực hiện các chương trình nhân đạo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã giúp ông Antonio Guterres có được những hiểu biết quý giá về các vùng đất cũng như nhu cầu nhân đạo và phát triển trên thế giới. Chính những điều này sẽ giúp củng cố hơn nữa chủ trương của ông về “một nền ngoại giao hòa bình”, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thể đến với nhau và vượt qua những khác biệt”./.
Nguồn: Thu Hoài/VOV.VN