Quốc tế

Thế giới 24h: Triều Tiên thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay

08:29, 10/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên ngày 9/9 đã gây rung chấn tương đương với trận động đất 5,3 độ richter.

1. Reuters ngày 9/9 đưa tin, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chung nhận định cho rằng, nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 sau khi xảy ra động đất gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên nhưng nước này vẫn chưa chính thức lên tiếng xác nhận thông tin này.

Giám đốc ban Giám sát Động đất và Núi lửa của Hàn Quốc Ryoo Yong-gyu chỉ vào một biểu đồ hiển thị sóng địa chấn gần khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Giám đốc ban Giám sát Động đất và Núi lửa của Hàn Quốc Ryoo Yong-gyu chỉ vào một biểu đồ hiển thị sóng địa chấn gần khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Triều Tiên cùng ngày đưa ra tuyên bố cho biết đã thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 5.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết đo được chấn động với cường độ mạnh 5,3 độ richter vào lúc 0h30 (giờ GMT).

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết, Seoul nghi ngờ trận động đất là kết quả của một vụ thử hạt nhân và Chính phủ nước này đã triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp.

Tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết: “Vào lúc khoảng 9h30 sáng 9/9, chúng tôi phát hiện ra rung chấn với cường độ 5 độ richter ở khu vực bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên và chúng tôi đang phân tích xem đó có phải một vụ thử hạt nhân hay không”.

2. Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ tới Geneva, Thụy Sỹ để tham dự cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Lavrov nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov (phải). Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov (phải). Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, nội dung cuộc gặp sẽ tiếp nối những cuộc đối thoại gần đây về vấn đề Syria, tập trung vào việc giảm bạo lực, mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria, và hướng đến một giải pháp chính trị cần thiết để chấm dứt cuộc nội chiến hiện nay ở quốc gia Trung Đông này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Lavrov với người đồng cấp Mỹ Kerry tại Geneva dự kiến diễn ra vào sáng 9/9 (theo giờ địa phương).

Bà Zakharova cho biết: “Tôi có thể nói rằng, các cuộc gặp sẽ được tổ chức kín, các văn bản cũng sẽ không được công khai. Chúng tôi cũng đã nhắc lại nhiều lần về quan điểm của mình rằng đâu là vấn đề chính. Đó là câu hỏi về việc phân loại các nhóm đối lập có tư tưởng trung lập tại Syria với các nhóm khủng bố. Đây là vấn đề cốt lõi, ngoài ra, tôi không thể tiết lộ chi tiết hơn”.

3. Chỉ huy nhóm phiến quân Jabhat al-Fateh Sham thiệt mạng trong một cuộc tấn công khi đang ẩn náu tại làng Kafr Naha, phía tây Aleppo.

BBC dẫn nguồn tin từ lực lượng nổi dậy Syria cho biết, một chỉ huy của nhóm phiến quân Jabhat al-Fateh Sham (tên gọi mới của nhóm Mặt trận Al-Nusra) đã bị giết chết gần thành phố Aleppo, Syria.

 Một chiến binh của nhóm Jabhat al-Fateh Sham. Ảnh: AP
Một chiến binh của nhóm Jabhat al-Fateh Sham. Ảnh: AP

Trong một thông báo đăng tải trên Twitter, Jabhat al-Fateh Sham thừa nhận chỉ huy của nhóm là Abu Omar Sarakeb đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ở Aleppo. Tuy nhiên, nhóm này không cho biết lực lượng nào đã tiến hành các cuộc không kích.

Nguồn tin từ Reuters cho biết, Abu Omar Sarakeb và một số nhân vật cấp cao khác của nhóm này bị tấn công khi đang ẩn náu tại làng Kafr Naha, phía tây thành phố Aleppo.

Chưa có thông tin về các thiệt hại khác của Jabhat al-Fateh Sham trong cuộc tấn công nói trên.

Mặt trận Al-Nusra đổi tên thành Jabhat al-Fateh Sham và thông báo cắt đứt liên hệ với Al-Qaeda kể từ tháng 7/2016. Mặc dù vậy, nhóm phiến quân này vẫn tiếp tục là mục tiêu của các cuộc không kích do quân chính phủ Syria, Nga và liên minh Mỹ tiến hành.

Mỹ cho rằng, về cơ bản, việc “thay tên đổi họ” của Al-Nusra không thay đổi bản chất của nhóm này và Mỹ không thấy có lý do gì để thay đổi quan điểm của Washington cho rằng, Al-Nusra/ Jabhat al-Fateh Sham là một tổ chức khủng bố.

4. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik tuyên bố, nước này ủng hộ tiến hành một chiến dịch không kích để đánh đuổi IS ra khỏi Raqqa, Syria.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/9 tại London, Anh, ông Isik cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào lực lượng người Kurd ở Syria, chiến dịch giành lại Raqqa và Mosul cần phải sử dụng người địa phương làm nòng cốt.

Một nhóm chiến binh người Kurd tại Syria. Ảnh: AP
Một nhóm chiến binh người Kurd tại Syria. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, điều này mới có thể giúp chiến dịch thành công hơn. Ông Isik nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để cho lực lượng nguời Kurd mở rộng địa bàn ảnh hưởng của họ và giành thêm quyền lực bằng việc sử dụng chiến dịch truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng như một cái cớ”.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, lực lượng người Kurd ở Syria có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd ở trong nước, vốn bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Trong khi đó, đồng minh lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Mỹ lại coi lực lượng nguời Kurd ở Syria như là một đồng mình hữu ích nhất trong cuộc chiến chống IS. Vì vậy, Mỹ khó lòng có được cả 2 đồng minh này cùng một lúc.

Hiện Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tranh cãi về việc kiểm soát một thị trấn khác là Manbij, cách biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30km. Liên quân do Mỹ dẫn đầu, trong đó có lực lượng người Kurd ở Syria đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn này từ tay IS hồi tháng trước.

5. Liên tiếp trong ba ngày qua, lực lượng chống khủng bố của Pháp và Argentina đã bắt giữ 4 kẻ tình nghi khủng bố. Đây là những kẻ bị “tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và cuồng tín”, đang chuẩn bị những cuộc tấn công bạo lực mới có tính bất ngờ cao.

Nhà chức trách Pháp ngày 8/9, cảnh sát nước này đã bắt giữ thêm 3 phụ nữ bị nghi có liên quan đến vụ chiếc xe ôtô chứa nhiều xy-lanh khí đốt bỏ lại gần Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris hồi cuối tuần qua.

Cảnh sát Pháp có mặt gần chiếc xe khả nghi. Ảnh: AP
Cảnh sát Pháp có mặt gần chiếc xe khả nghi. Ảnh: AP

Trước đó, ngày 3/9 vừa qua, lực lượng an ninh Pháp đã khám xét một ôtô Peugot 607 có dấu hiệu khả nghi, đỗ gần Nhà thờ Đức Bà, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Paris, thu hút 13 triệu lượt khách mỗi năm. Chiếc xe này không có biển kiểm soát và bật sáng đèn xi nhan.

Sau khi khám xét, cảnh sát đã tìm thấy 7 xy-lanh chứa khí đốt cùng nhiều tài liệu tiếng Arab. Trong chiến dịch điều tra ngay sau đó, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 4 đối tượng tình nghi, trong đó ít nhất một người đang nằm trong diện theo dõi của cơ quan tình báo Pháp vì có liên quan đến hoạt động của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Như vậy, trong chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố lần này, lực lượng an ninh Pháp đã bắt giữ tổng cộng 7 đối tượng tình nghi khủng bố.

Trong khi đó, tại Argentina, một công dân Lebanon bị truy nã tại Mỹ với cáo buộc có liên hệ với khủng bố đã bị cảnh sát nước này bắt giữ. Theo hãng thông tấn nhà nước Telam của Argentina, nghi phạm Khalil Mohamed El Sayed đã tìm cách thâm nhập vào Argentina bằng giấy tờ là công dân Paraguay.

Tên này vốn nằm trong danh sách truy nã của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Cũng theo Telam, phía Mỹ đã phát lệnh bắt giữ và muốn thẩm vấn El Sayed. Ngoài việc bị truy nã tại Mỹ, El Sayed cũng bị truy lùng tại Brazil liên quan đến hành vi buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí.

Phát biểu với báo giới sau khi nhận thông tin về vụ bắt giữ tên El Sayed, Bộ trưởng Nội vụ Paraguay Francisco Jose de Vargas, cho biết: “Tên Khalil Mohamed El Sayed bị bắt giữ ngày 6/9 vừa qua tại sân bay Ezeiza. Vào thời điểm bị bắt giữ, tên này đang mang những tài liệu xác thực, nguyên bản cùng với thẻ công dân. Tên El Sayed đã nhập quốc tịch Paraguay từ năm 1999. Trong quá trình thẩm vấn, tên này đã nộp tất cả các tài liệu theo yêu cầu và điều này sẽ được tòa án xem xét”./.

Nguồn: Trần Khánh/VOV.VN

Các tin khác