Quốc tế

Thế giới 24h: Khai mạc thượng đỉnh G20, bàn cách vực dậy kinh tế

08:08, 05/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Ngày 4/9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khai mạc ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc.

1. Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, thương mại và đầu tư. Vì thế, ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tránh chỉ “nói suông” khi bàn về cách thức vực dậy tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc G20. (Ảnh: Getty)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc G20. (Ảnh: Getty)

BBC dẫn lời ông Tập Cận Bình: “Chống lại rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế thế giới, cộng đồng quốc tế kỳ vọng rất nhiều vào Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này”.

Với chủ đề "Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể," Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm nay - hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”.

2. Ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố được đánh giá là “dài bất thường” sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Barack Obama “nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh trong khu vực”.

Chủ tịch Trung Quốc có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: AP)
Chủ tịch Trung Quốc có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: AP)

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã có cuộc “trao đổi thẳng thắn” với người đồng cấp phía Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hàng Châu, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.

Nhà Trắng cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Trung Quốc - một bên tham gia ký kết UNCLOS phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo công ước”.

Tuyên bố cũng có đoạn: “Tổng thống Obama tái khẳng định rằng, Mỹ sẽ cùng hợp tác với tất cả các nước trong khu vực duy trì nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, duy trì tự do hàng hải và hàng không”.

3. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4/9 tuyên bố, Mỹ sẽ phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để đưa những kẻ chịu trách nhiệm gây ra cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 vừa qua ra trước công lý.

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ông Obama cho biết, đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa ông và Tổng thống Erdogan kể từ cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua.

Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ hội đàm với Tổng thống Erdogan và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị G20. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ hội đàm với Tổng thống Erdogan và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị G20. (Ảnh: Reuters)

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các nỗ lực dập tắt cuộc đảo chính cho thấy cam kết của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ nền dân chủ, cũng như chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ của các tổ chức dân chủ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Obama cũng cam kết cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết giúp giới chức nước này điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan khẳng định, giới chức nước này vẫn đang tiến hành thu thập các tài liệu, cùng bằng chứng liên quan đến cuộc đảo chính để gửi sang cho phía Mỹ.  Phái đoàn đại diện của Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới Mỹ để bàn về vấn đề này.

4. AFP dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ ngày 3/9 cho biết, các lực lượng Mỹ đã sử dụng hệ thống phóng rocket cơ động “mới được triển khai” để tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực dọc biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Thiếu tá Josh Jacques tiết lộ vớiAFP, hệ thống rocket-pháo cơ động cao (HIMARS) của Lục quân Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ tấn công nhằm vào một đơn vị chiến thuật và một tòa nhà do IS chiếm giữ hôm 2/9.

Hệ thống HIMARS của Mỹ khai hỏa. (Ảnh: Reuters)
Hệ thống HIMARS của Mỹ khai hỏa. (Ảnh: Reuters)

Theo Thiếu tá Jacques, hệ thống mới được triển khai đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ sứ mệnh chống IS do Mỹ dẫn đầu “cho phép Mỹ có thể tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao và phạm vi lớn hơn đáng kể”.

“HIMARS là lựa chọn tối ưu để tránh các rủi ro liên quan vì nó tấn công mục tiêu từ góc cao, bán kính phát nổ tương đối nhỏ so với hiệu quả đạt được, bên cạnh đó là khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết”, ông Jacques nói.

Trước đây, Mỹ cũng từng sử dụng HIMARS trong các hoạt động ở Iraq và Afghanistan.

5. Nhóm vũ trang Abu Sayyaf ở Philippines vừa tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kinh hoàng tại một khu chợ đêm đông người ở thành phố Davao, miền Nam nước này ngày 2/9 vừa qua, làm 14 người thiệt mạng và 71 người bị thương.

Lực lượng an ninh Philippines phong tỏa hiện trường vụ tấn công ở Davao. (Ảnh: AP)
Lực lượng an ninh Philippines phong tỏa hiện trường vụ tấn công ở Davao. (Ảnh: AP)

Kênh truyền hình ABS-CNB (Philippines) dẫn lời người phát ngôn của nhóm phiến quân Abu Sayyaf cho biết, vụ đánh bom nhằm mục đích kêu gọi sự “đoàn kết và thống nhất” của tất cả các chiến binh thánh chiến trên toàn lãnh thổ Philippines, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công khác trong thời gian tới.

Vụ đánh bom diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách Philippines đang đẩy mạnh chiến dịch quân sự chống lại Abu Sayyaf tại đảo Jolo  – thành trì của chúng, nằm cách Davao 900km./.

Nguồn: Hùng Cường/VOV.VN

Các tin khác