Vòng đàm phán mới giữa Nga và Mỹ bền lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 về Syria đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
1. Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngày 5/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã không đạt được thỏa thuận nhằm giảm bớt giao tranh ở Syria trong khi vẫn còn nhiều bất đồng giữa hai nước.
Nga và Mỹ không đạt được thỏa thuận về Syria tại Hàng Châu. (Ảnh: Reuters) |
Theo quan chức này, vòng đàm phán mới giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ bền lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Trước đó, trong thư gửi phe đối lập Syria, Đặc phái viên Mỹ về Syria Michael Ratney nói rằng, một thỏa thuận về Syria đang được Nga và Mỹ thảo luận, liên quan đến một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn Syria và tập trung vào việc chuyển viện trợ tới Aleppo.
Thỏa thuận này sẽ buộc Nga phải ngăn chặn các máy bay của chính quyền Syria không kích những khu vực do lực lượng đối lập chính nắm giữ, và yêu cầu Syria rút quân khỏi một tuyến đường tiếp tế chủ chốt ở phía Bắc Aleppo.
2. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 4/9 cho biết, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và quân nổi dậy Syria đã đánh đuổi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi những khu vực cuối cùng mà tổ chức khủng bố này kiểm soát ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại khu vực biên giới Syria. (Ảnh: Reuters) |
Ông Yildirim cũng cho biết, 91km đường biên giới từ Azaz đến Jarabulus đã được kiểm soát hoàn toàn.
Trước đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cũng cho biết, IS đã mất đường liên lạc với thế giới bên ngoài sau khi đánh mất các ngôi làng biên giới còn lại giữa sông Sajur và Al-Rai.
3. Yonhap dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc cho biết, ngày 5/9, Triều Tiên đã bắn 3 quả tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông của nước này.
Một quả tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA) |
JCS trong một tuyên bố ngắn bằng văn bản cho biết, vụ phóng thử 3 tên lửa đạn đạo được phía Triều Tiên thực hiện vào khoảng 12h14 (giờ địa phương) từ khu vực Hwangju, phía bắc tỉnh Hwanghae.
Hiện vẫn chưa rõ loại tên lửa được Triều Tiên sử dụng trong vụ phóng ngày hôm nay (5/9).
Một quan chức JCS nói với Yonhap cho biết: “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình xác định loại tên lửa cũng như xác định xem chúng đã bay được bao xa”.
Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ hành vi này của Triều Tiên, coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nguy hiểm đối với an ninh hàng hải và hàng không Nhật Bản. Nhật Bản sẽ kháng nghị bằng con đường ngoại giao lên Liên Hợp Quốc.
4. Cảnh sát Thái Lan ngày 5/9 cho biết đã bắt giữ một nghi phạm có dính líu đến loạt vụ đánh bom tại nhiều địa điểm du lịch của Thái Lan hồi tháng trước, làm ít nhất 4 người người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đánh bom ở Hua Hin. (Ảnh: Getty) |
Sau các vụ đánh bom liên tiếp gây rúng động, cảnh sát Thái Lan đã phát lệnh truy bắt nhiều đối tượng, song đây là nghi phạm đầu tiên bị bắt giữ.
Theo nguồn tin cảnh sát, đối tượng có tên là Apdul Kadea đến từ tỉnh Patanni – một trong ba tỉnh ở Cực Nam có số đông người Hồi giáo sinh sống nhất tại Thái Lan.
Nghi phạm bị cáo buộc tham gia vụ đánh bom ở tỉnh Trang ngày 12/8 làm ít nhất 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Nghi phạm Kadea bị giam tại một nhà tù quân sự trong 7 ngày, trước khi được tiếp cận luật sư.
5. Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc chiều (5/9) đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở đặc khu này. Kết quả cuộc bỏ phiếu được cho là phép thử cho cuộc bầu chọn Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong sẽ diễn ra vào năm tới.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố muộn hơn so với dự kiến do số lượng cử tri đi bầu quá đông. (Ảnh: AFP) |
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, có ít nhất 4 nhà hoạt động chính trị có tư tưởng cấp tiến đã trúng cử vào Hội đồng Lập pháp, cơ quan có quyền thông qua các dự luật và ngân sách của Đặc khu hành chính Hong Kong.
Trong số này có ông Nathan Law, một trong số thủ lĩnh của phong trào biểu tình quy mô lớn tại Hong Kong năm 2014. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố muộn hơn so với dự kiến do số lượng cử tri đi bầu quá đông.
Ước tính có khoảng 3,8 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu. Đây là cuộc bầu cử có số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao nhất và quan trọng nhất kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997./.