Quốc tế

Trung Quốc lại cho máy bay đáp xuống sân bay phi pháp ở Trường Sa

08:48, 14/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử ra Trường Sa được cho là hành động leo thang nhằm độc chiếm Biển Đông.

Ngày 13/7, Trung Quốc lại có động thái bất chấp luật pháp quốc tế, thách thức dư luận khi tiến hành 2 chuyến bay thử ra hai sân bay được xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn và Đá Subi thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 Máy bay của hãng Hàng không Hải Nam hạ cánh xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 1. Ảnh: Tân Hoa xã.
Máy bay của hãng Hàng không Hải Nam hạ cánh xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 1. Ảnh: Tân Hoa xã.

Theo thông tin được Hãng tin Tân Hoa Xã công bố, sáng nay, Trung Quốc đã sử dụng hai máy bay dân dụng của Hãng Hàng không Phương Nam (China Southern Airlines) và Hãng Hàng không Hải Nam (Hainan Airlines), cất cánh từ sân bay Mỹ Lan tại thành phố Hải Khẩu trên đảo Hải Nam bay ra 2 sân bay được xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn và Đá Subi thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau đó quay lại Hải Khẩu vào buổi chiều cùng ngày.

Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp cũng như những quy định trong Công ước hàng không quốc tế, tiến hành các chuyến bay ra khu vực thuộc quần đảo Trường Sa sẽ gây nguy hiểm cho các chuyến bay quốc tế do đây là khu vực có nhiều đường bay quốc tế đi qua như chính thừa nhận của nước này.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, cải tạo phi pháp các bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam, việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử ra Trường Sa được cho là hành động leo thang nhằm độc chiếm Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe doạ an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phương hại tới hoà bình và ổn định trong khu vực.

Đáng chú ý, động thái này diển ra chỉ một ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực ở La Hay ra phán quyết bác bỏ yêu sách  “Đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông và kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc, đồng thời còn cáo buộc Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo./.

Nguồn: VOV.VN

Các tin khác