Tin tức sự kiện
NATO tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tập thể
NATO đã đi đến đồng thuận triển khai một loạt các kế hoạch mới định hướng hoạt động của khối; quyết định tăng khả năng phòng thủ và răn đe tập thể.
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khép lại tại thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm qua (9/7) sau hai ngày làm việc bận rộn. Hội nghị đã thông qua một loạt các tuyên bố và quyết định quan trọng định hướng hoạt động của tổ chức này trong thời gian tới.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã chính thức khép lại với nhiều quyết định quan trọng. |
Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất đối với Liên minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. NATO cho rằng Liên minh này đang phải phải đối mặt với một môi trường an ninh ngày càng phức tạp, khó lường, trong đó có cuộc nội chiến kéo dài tại Syria, xung đột miền đông Ukraine, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các cuộc tấn công mạng hay làn sóng di cư sang các nước Châu Âu. Những thách thức trên đòi hỏi tổ chức này phải có hành động để bảo vệ các nước thành viên.
Không nằm ngoài dự đoán trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên NATO đã thông qua quyết định triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia do Mỹ, Anh, Đức và Canada dẫn đầu tại Ba Lan và ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva.
Liên minh cũng quyết định mở rộng sự có mặt quân sự tại khu vực Biển Đen và Đông-Nam châu Âu với việc thành lập Lữ đoàn đa quốc gia Romania-Bulgaria nhằm duy trì thế cân bằng tại hai khu vực này.
Tổ chức này cũng đã quyết định về việc vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại châu Âu, cam kết tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng, đồng thời công nhận không gian mạng là lĩnh vực hoạt động mới.
Trong ngày làm việc thứ hai, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định hỗ trợ các nước đối tác nhằm duy trì hòa bình, trong đó có một thỏa thuận về đào tạo và xây dựng thể chế tại Iraq.
Các nhà lãnh đạo cũng quyết định chia sẻ thông tin tình báo thu thập được từ các máy bay do thám của NATO cho Liên minh quốc tế chống IS, cũng như tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân tại vùng biển Địa Trung Hải. Liên minh NATO và các nước đối tác cam kết duy trì Phái bộ tại Afghanistan sau năm 2016 và cung cấp tài chính khoảng 3 tỉ USD cho quốc gia này đến năm 2020.
Hội nghị cũng đã đánh giá tình hình an ninh tại Ukraine, hoan nghênh kế hoạch cải cách của chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko, và thông qua gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine nhằm giúp các định chế an ninh, quốc phòng nước này hoạt động có hiệu quả hơn.
Đánh giá về kết quả Hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước thành viên và các nước đối tác đều bày tỏ quyết tâm thực hiện các quyết định thông qua tại hội nghị.
"Trong hai ngày qua chúng tôi đã có quyết định tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tập thể, hay thúc đẩy việc duy trì hòa bình tại các quốc gia láng giềng của NATO. Chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện các quyết định này và cam kết đảm bảo chắc chắn rằng các kế hoạch này sẽ được thực hiện trong thực tế. NATO luôn là một lực lượng cơ bản đảm bảo an ninh trong Liên minh và ổn định cho thế giới rộng lớn hơn".
Tại cuộc họp báo cuối cùng trong ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, trong hai nhiệm kỳ nắm quyền, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ông là tăng cường quan hệ với các nước đồng minh, đặc biệt là với NATO.
Theo tổng thống Obama, NATO đã trở thành một lực lượng không thể thiếu được trong việc đảm bảo an ninh hai bờ Đại Tây Dương và Mỹ cam kết tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự phát triển vững mạnh của tổ chức này.
Trong môi trường có nhiều thách thức hiện nay, Mỹ muốn nhân cơ hội này để khẳng định rõ một điều không bao giờ thay đổi trong chính sách, đó là cam kết nhất quán của Mỹ đối với an ninh và quốc phòng của Châu Âu, cũng như đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Bên lề Hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ký tuyên bố chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhằm tăng cường đối tác chiến lược giữa NATO và Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố chung xác định rõ các lĩnh vực hợp tác hai bên, trong đó có an ninh hàng hải và chống các mối đe dọa hỗn hợp./.
Nguồn: Hữu Bình - Văn Huy/VOV