Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp 21.000 giáo viên, 7.500 binh sĩ sau đảo chính
58.000 nhân viên dân sự, 21.000 giáo viên và 7.500 binh sĩ cùng 85 tướng lĩnh và đô đốc trở thành mục tiêu trấn áp sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Independent của Anh, sau vụ đảo chính, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm mọi học giả, các nhà nghiên cứu cùng các học sinh được đi ra nước ngoài và yêu cầu những người đang ở nước ngoài trở về nước ngay lập tức.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước một chiếc xe tăng của phe đảo chính. Ảnh AP |
Tất cả các chuyến đi nước ngoài của các giáo viên Thổ Nhĩ Kỳ được lên kế hoạch trước đó đều bị hủy và những người đã ra nước ngoài bị bắt phải trở về nước và báo cáo với giới chức nước này vào lúc 8h30 sáng 21/7 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ). Trong số này có rất nhiều người đang đi nghỉ hè.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh đình chỉ giảng dạy đối với 21.000 giáo viên và buộc 1.577 hiệu trưởng của các trường đại học phải từ chức.
Ngoài ra, hơn 58.000 nhân viên dân sự đã bị bắt giữ hoặc bị buộc thôi việc. Hơn 9.000 người đang thuộc diện bị điều tra xét xử. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận 6.500 nhân viên làm việc tại Bộ Giáo dục cũng đã bị đình chỉ công tác.
Người phát ngôn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Các trường đại học luôn đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều cá nhân được cho là đã liên hệ với giới chức quân đội trong vụ đảo chính vừa qua”.
Cuộc đảo chính bất thành cũng khiến 7.500 binh sĩ cùng 85 tướng lĩnh và đô đốc của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ.
Tổ chức Ân xã Quốc tế đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay trấn áp các đối tượng bị tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính nói trên. Tuyên bố của Tổ chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chứng kiến một vụ trấn áp chưa từng có tiền lệ tại Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Dù việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn điều tra và trừng trị những kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính đẫm máu nói trên là hoàn toàn hợp pháp và dễ hiểu, họ cũng cần phải tôn trọng luật pháp và quyền tự do bày tỏ ý kiến của những người nằm trong diện tình nghi”, Tổ chức này nêu rõ./.
Nguồn: Trần Khánh/VOV.VN