Quốc tế

Nga đề nghị Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ

15:50, 19/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17-6 (giờ địa phương) thừa nhận thế giới cần một quốc gia hùng mạnh như Mỹ, nhưng Moskva không muốn Washington can thiệp vào công việc nội bộ. Tuy vậy, Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn và luôn sẵn sàng làm việc với Mỹ.

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 20 hôm 17-6. Ảnh: Itar-Tass.
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 20 hôm 17-6. Ảnh: Itar-Tass.

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề: “Trước ngưỡng thực tế kinh tế mới” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 20, Tổng thống Putin nêu rõ: “Thế giới cần một quốc gia hùng mạnh như Mỹ. Và chúng ta cũng cần điều đó. Nhưng chúng ta không cần họ phải liên tục can thiệp vào chuyện của chúng ta và chỉ bảo cho chúng ta phải sống như thế nào”.

Tổng thống Putin cũng chỉ trích “vai trò định hướng một cách sai lầm của Mỹ trong vấn đề Ukraine” và phản đối “nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Liên minh châu Âu (EU) xây dựng quan hệ với Nga”.

Ông chủ Điện Kremlin chỉ ra rằng, chính Mỹ đã “bảo” các đối tác châu Âu của họ phải chịu đựng những lệnh trừng phạt chống lại Nga khi chúng ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế châu Âu. “Tại sao (EU - PV) phải chịu đựng? Tôi không hiểu”, Tổng thống Putin hỏi và bổ sung rằng, so với EU, nền kinh tế Mỹ đâu bị ảnh hưởng gì từ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva muốn và sẵn sàng làm việc với Mỹ cũng như sẽ hợp tác với bất cứ ai được bầu làm Tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Điều này được thể hiện qua những lời bình luận đầy tích cực mà ông Putin đã dành cho tỷ phú Donald Trump - ứng viên Tổng thống mặc định của Đảng Cộng hòa và lời ca ngợi “mối quan hệ nồng ấm” với cựu Tổng thống Bill Clinton - phu quân của bà Hillary Clinton, ứng viên Tổng thống mặc định của Đảng Dân chủ - khi ông Bill Clinton còn tại nhiệm.

Bên cạnh tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Mỹ, Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga sẵn sàng chìa tay với châu Âu để cải thiện quan hệ bị rạn nứt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, song nhấn mạnh phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng xấu đi trong mối quan hệ này.

Tổng thống Putin cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu đang muốn và sẵn sàng làm việc với Nga: “Các cuộc gặp gỡ gần đây của chúng tôi với đại diện các doanh nghiệp Đức và Pháp đã chứng tỏ kinh tế châu Âu đang sẵn sàng và sẵn lòng hợp tác với đất nước chúng tôi. Các chính trị gia cần phải bắt nhịp với doanh nhân và cho thấy sự khôn ngoan, tầm nhìn rộng cũng như sự mềm dẻo, thích nghi. Chúng tôi phải lấy lại niềm tin vào các mối quan hệ Nga-châu Âu và khôi phục mức độ tương tác trước đây”, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi không ôm hận thù và sẵn sàng chìa tay với các đối tác châu Âu, song rõ ràng đây không thể là trò chơi một phía”.

Ông Putin nhấn mạnh EU vẫn là một đối tác thương mại chủ chốt của Nga, song chính việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan vấn đề Ukraine đã dẫn tới sự “đổ vỡ” trong quan hệ song phương.

Đề cập đến lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, Tổng thống Putin khẳng định Nga coi hệ thống lá chắn này của Mỹ là “mối nguy hiểm lớn” và Moskva buộc phải đáp trả bằng cách tăng cường năng lực tấn công của các loại tên lửa. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hoàn thiện năng lực của các loại tên lửa để duy trì sự cân bằng, vì hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu là mối nguy hiểm lớn”.

Tổng thống Putin cũng chỉ trích sự “bành trướng” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cảnh báo nếu khối quân sự này tiếp tục điều mà ông gọi là “chính sách đơn phương chống Nga” thì sẽ dẫn tới những hậu quả.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh Nga không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và nếu hai bên phối hợp về phòng thủ sẽ tránh được nguy cơ này. Trước đó, Nga đã cảnh báo NATO không nên thiết lập lực lượng hải quân trên biển Đen, cho rằng bước đi này sẽ hủy hoại an ninh khu vực cũng như mối quan hệ vốn đã mong manh giữa Moskva và NATO.

Quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Andrei Kelin nêu rõ: “Nếu quyết định thành lập một lực lượng thường trực trên biển Đen được đưa ra, dĩ nhiên nó sẽ gây bất ổn, vì đây không phải là vùng biển của NATO. Vùng biển này (biển Đen) không có liên quan gì tới liên minh đó (NATO). Và tôi không cho rằng điều này sẽ cải thiện quan hệ của chúng ta với NATO”.

Về vấn đề Syria, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông đồng ý với các đề xuất của Mỹ về việc hợp nhất một số nhóm đối lập vào Chính phủ Syria hiện nay, nhấn mạnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhất trí về sự cần thiết phải có một tiến trình chính trị. Liên quan đến chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi EU (Brexit), Tổng thống Putin nhận định, quyết định của Thủ tướng Anh David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit là một biện pháp “hăm dọa” và khiến châu Âu “hoang mang”.

Tổng thống Putin đặt câu hỏi rằng tại sao ông Cameron phải trưng cầu dân ý và mục đích là gì trong khi chính bản thân vị này phản đối Anh rời EU. Về phần mình, Tổng thống Nga cho biết ông có quan điểm riêng nhưng không thể chia sẻ vào thời điểm hiện tại và đây là việc của người dân Anh.

Theo Báo CAND

Các tin khác