Quốc tế
Đối thoại Chiến lược Trung-Mỹ: 'Mềm' về kinh tế, 'rắn' về Biển Đông
Mỹ và Trung Quốc đều đang “vờn và dứ đòn nhau” trong vấn đề kinh tế và Biển Đông tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ. Tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ 2016 diễn ra trong 2 ngày 6-7/6 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cả hai nước đều “dịu giọng” trong vấn đề kinh tế nhưng vẫn rất kiên quyết trong vấn đề Biển Đông.
Theo CNBC, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ 2016 được cho là sẽ đi theo một kịch bản khác 2 năm trước đó dù cả Trung Quốc và Mỹ đều vẫn sẽ đề cập đến những vấn đề song phương và khu vực mà 2 bên cùng quan tâm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngoài cùng bên phải) tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew (ngoài cùng bên trái) và Ngoại trưởng John Kerry. Ảnh AP |
Tạo di sản cho Tổng thống Obama
Các nhà phân tích cho rằng, đây là cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ cuối cùng mà Tổng thống Obama tham dự. Chính vì thế, nhiều khả năng Washington sẽ lái các cuộc đối thoại vào những lĩnh vực mà hai bên chắc chắn sẽ đạt được tiếng nói chung thay vì những vấn đề nhạy cảm khó có thể cụ thể hóa thành hành động.
“Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ là nơi mà giới chức Mỹ muốn trở về với một danh sách dài những thành quả cho người dân thấy những gì họ đã đạt được”, ông Scott Kenedy, Giám đốc Dự án về Kinh tế Chính trị và Kinh doanh tại Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
“Nhiều khả năng những sự kiện cấp cao tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ sẽ đạt được những kết quả cụ thể bởi luôn có những áp lực về chính trị đối với các nhà lãnh đạo của hai nước”, ông Damien Ma tại Viện Nghiên cứu Paulson của Mỹ chia sẻ.
Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại ngày 6/6, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai nước thiết lập “niềm tin chung vào những vấn đề cơ bản và chiến lược. Không có lý do gì để hai bên sợ hãi về sự khác biệt. Điều quan trọng là hai bên không nên có thái độ thù địch trước bất kỳ khác biệt nào”.
Năng lực sản xuất thép ở Trung Quốc rất đáng lo ngại
Trong các Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ trước đây, vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ luôn là chủ đề nóng bỏng khi Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc cố tình hạ giá mạnh đồng Nhân dân tệ để tạo ra ưu thế cạnh tranh thương mại. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện đã khác.
“Trọng tâm chính tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ 2016 sẽ là về những vấn đề kinh tế thực chất hơn như năng lực sản xuất sắt thép vượt quá nhu cầu thị trường quốc tế của Trung Quốc thay vì đồng Nhân dân tệ như trước”, ông Ma nhận định và đưa ra báo cáo của Bộ Tài Chính Mỹ về thị trường ngoại hối để củng cố cho quan điểm của mình.
Báo cáo được công bố hồi tháng 4 cho thấy, không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ [trong đó có Trung Quốc-ND] tìm cách thao túng tỉ giá ngoại tệ trong năm 2015.
“Điều quan trọng nhất trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là sự ổn định”, ông Tim Adams, Chủ tịch kiêm CEO Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định.
“Tỉ giá hối đoái đã trở thành chủ đề bị chính trị hóa trong thời gian diễn ra bầu cử tại Mỹ. Chính vì thế, cả Mỹ và Trung Quốc đều cố tìm cách không làm trầm trọng hóa vấn đề này. Thay vì thế, họ sẽ tập trung vào những vấn đề mang tính lâu dài hơn như năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu thị trường của Trung Quốc”, ông Adams nói.
Trên thực tế, việc cung vượt quá cầu trong nền công nghiệp tại Trung Quốc đã đẩy giá các sản phẩm xuống rất thấp và làm dấy lên những lo ngại về “sức khỏe” của các tập đoàn quốc doanh của nước này.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các tập đoàn này ngày càng có vai trò lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với thị trường giá cả hàng hóa quốc tế.
“Mỹ đang xem xét những vấn đề mà họ kỳ vọng có thể “mở toang cánh cửa” đối thoại và đi đến các thỏa thuận chung. Họ đã không đạt được những tiến bộ trong vấn đề tỉ giá hối đoái và cũng không còn muốn đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, Trung Quốc đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề cung vượt quá cầu, vì vậy, tập trung vào vấn đề này sẽ là chiến lược thông minh”, ông Kennedy nhận xét.
Washington đã ngày càng đề cập nhiều đến vấn đề này trong vài tháng qua. Thị trường sắt thép toàn cầu đã hứng chịu “một đòn giáng mạnh” từ giá sắt thép giảm mạnh do năng lực sản xuất quá lớn của Trung Quốc. Thậm chí, giới chức Mỹ hồi tháng 4 đã cảnh báo Trung Quốc cần có những biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề này.
Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông
Vấn đề tranh chấp ở Biển Đông được cho là sẽ khiến Mỹ có những phản ứng mạnh mẽ hơn nhất là trong bối cảnh tuần qua hai bên đã “lời qua tiếng lại” gay gắt tại Đối thoại Sangri-La.
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc ngang nhiên tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ngày 5/6: “Chúng tôi không phải là bên gây rối nhưng chúng tôi cũng không sợ rắc rối. Trung Quốc sẽ không chịu trách nhiệm về hậu quả của những vụ gây rối và cũng không cho phép bất kỳ nước nào xâm phạm chủ quyền, lợi ích về an ninh của Trung Quốc hay làm ngơ trước việc một số quốc gia cố tình gây hỗn loạn ở Biển Đông”.
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ bày tỏ thái độ mạnh mẽ đến đâu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ 2016 trước những động thái của Trung Quốc cố tình đưa ra những yêu sách chủ quyền phi lí cùng với những hành động hiếu chiến tại những khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông, khiến nhiều quốc gia trong khu vực- trong đó có Philippines và Việt Nam- phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
“Không giống như trận so găng kinh điển giữa Mohammad Ali và Joe Frazier, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang “vờn và dứ đòn nhau”. Chúng tôi kỳ vọng rằng, không bên nào phải tung đòn về phía đối thủ”, ông Kennedy nhận định./.
Nguồn: Trần Khánh/VOV.VN