Quốc tế

Biển Đông sẽ là tâm điểm đối thoại Shangri-La 2016

09:07, 01/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Theo ông Tim Huxley, hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt tại đối thoại Shangri-La 2016.

Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh, ông Tim Huxley mới đây khẳng định, tình hình Biển Đông sẽ là chủ đề nóng tại Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực châu Á - Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra tại Singapore cuối tuần này.

Biển Đông sẽ là tâm điểm đối thoại Shangri-La 2016. (Ảnh: Straits Times)
Biển Đông sẽ là tâm điểm đối thoại Shangri-La 2016. (Ảnh: Straits Times)

Diễn đàn an ninh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương gia tăng đáng kể so với một năm trước. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự đối thoại.

Đối thoại Shangri-La năm nay quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh, quốc phòng từ hơn 30 nước, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẽ tham dự, bao gồm các nước Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị lần này cũng được đánh giá là hùng hậu khi trưởng đoàn tiếp tục là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến phát biểu trong ngày họp đầu tiên (4/6). Trong khi trưởng đoàn Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sẽ phát biểu trong ngày họp thứ hai (5/6), cũng là ngày diễn ra phiên toàn thể với chủ đề về “Những lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc”.

Đề cập những vấn đề nóng sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần này, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, ông Tim Huxley nêu ra trước hết là những diễn biến trên Biển Đông thời gian gần đây.

Ông Huxley cho rằng, vấn đề đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế là việc Trung Quốc xây dựng trên các đảo mà nước này chiếm đóng trên Biển Đông và nhanh chóng bồi đắp, quân sự hóa một bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông. Nhiều nước đã phản ứng mạnh mẽ đối với hoạt động này cũng như một số hình thức gây áp lực khác từ phía Bắc Kinh.

Ông Tim Huxley thừa nhận, trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại Shangri-La năm nay cũng đã có nhiều dự đoán về những bước tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể trong bối cảnh Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) đang chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Bên cạnh tình hình Biển Đông, một mối quan tâm lớn khác của các nước tại Đối thoại Shangri-La lần này là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa từ đầu năm đến nay. Một số vấn đề an ninh mới của khu vực như sự xuất hiện và len lỏi của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một số nước Đông Nam Á, nạn cướp biển, đánh bắt cá trái phép…

Ông Tim Huxley khẳng định, Đối thoại Shangri-La đã và sẽ luôn luôn là cơ hội để Bộ trưởng Quốc phòng cũng như quan chức quân đội, an ninh của các nước châu Á – Thái Bình Dương và những nước có liên quan thảo luận với những cố vấn, chuyên gia phi chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực này để từ đó làm rõ những chính sách an ninh quốc gia, những khác biệt về quan điểm và tìm ra lĩnh vực tiềm năng hợp tác.

Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên họp chuyên biệt, bên lề Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương giữa phái đoàn quan chức các nước. Theo Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Tim Huxley, những cuộc gặp này là cơ hội quý giá để các bên tăng cường hiểu biết và hợp tác an ninh quốc phòng trong khu vực.

Nguồn: Diệu Hương/vov.vn

Các tin khác