Quốc tế

Nhật Bản tập trận chiếm lại đảo, Trung Quốc nổi đóa

10:56, 14/01/2014 (GMT+7)

Sau khi Nhật Bản tập trận chiếm lại một hòn đảo, Trung Quốc đã “tung” ra một lời cảnh báo sắc lạnh trong đó nói rằng Bắc Kinh sẽ “đáp trả kiên quyết” nếu Tokyo có bất kỳ hành động khiêu khích nào với các tàu thuyền Trung Quốc tuần tra trong khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Hình ảnh trong cuộc tập trận mới nhất của Nhật Bản
Hình ảnh trong cuộc tập trận mới nhất của Nhật Bản

Nhật tập trận thách thức Trung Quốc
 
Lính nhảy dù Nhật Bản đã tập trận tái chiếm lại một hòn đảo từ tay kẻ thù trong một cuộc tập trận mà trong đó Bộ trưởng Quốc phòng nước này thề sẽ bảo vệ một khu vực lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp ở biển Hoa Đông. Cuộc tập trận này diễn ra khi mà tàu thuyền Trung Quốc đang lượn lờ ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sau khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không ở vùng tranh chấp này.
 
Quân đội Nhật Bản hôm 12/1 đã tiến hành cuộc tập trận mang tên “Bảo vệ Đảo”. Trong cuộc tập trận này, các binh lính tinh nhuệ của Nhật đã diễn tập bài tập chiếm lại một hòn đảo ở xa từ tay kẻ thù.
 
Trực tiếp giám sát các cuộc diễn tập, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori onodera đã thề sẽ bảo vệ vùng lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc. Quần đảo này đang được quản lý bởi chính quyền Nhật Bản.
 
“Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ qua cho những hành động xâm nhập liên tiếp của Trung Quốc vào vùng lãnh hải của chúng tôi. Ngoài những nỗ lực ngoại giao, chúng tôi sẽ phối hợp với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển để bảo vệ an toàn lãnh thổ cũng như lãnh hải của chúng tôi quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, Bộ trưởng onodera nói.
 
Cuộc tập trận của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh 3 tàu tuần tra của Trung Quốc có cuộc xâm nhập ngắn vào vùng lãnh hải tranh chấp sáng sớm hôm 12/1. Đây là vụ xâm nhập đầu tiên kể từ khi Trung Quốc tung ra những quy định giới hạn hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông, gây ra sự phản đối mạnh mẽ của một loạt nước.
 
Quy định mới mà Trung Quốc tuyên bố có hiệu lực từ ngày 1/1 đòi hỏi tàu thuyền các nước muốn đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông phải xin phép giới chức nước này. Không chỉ các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông mà ngay cả những nước bên ngoài như Mỹ, Nhật đều lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động sai trái gây căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
 
Trung Quốc tung cảnh báo đáp trả kiên quyết Nhật Bản
 
Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Nhật tiếp tục leo thang với những diễn biến nói ở trên, Bắc Kinh ngày hôm qua (13/1) đã cảnh báo sẽ “đáp trả kiên quyết” nếu Tokyo có bất kỳ động thái khiêu khích nào nhằm vào tàu thuyền của họ đang tuần tra trong khu vực.
 
"Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản không nên xem thường quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo.
 
Khi được phóng viên đề nghị bình luận về lời tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong việc sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vào khu vực tranh chấp, phát ngôn viên Hua đã nói: “Nếu Nhật Bản có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm vào vấn đề quần đảo tranh chấp thì Trung Quốc sẽ đáp trả kiên quyết và phía Nhật Bản sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả gây ra từ hành động đó.
 
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm 2012, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp, châm ngòi cho những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau đầy căng thẳng giữa tàu thuyền hai nước ở vùng tranh chấp.
 
Sau những màn “mèo vờn chuột” đầy nguy hiểm trên, Trung Quốc đã có một bước đi leo thang mới vào ngày 13/12/2012 khi nước này lần đầu tiên đưa máy bay không người lái đến quần đảo tranh chấp Senkaku. Vụ việc này đã buộc Tokyo phải cử 8 chiến đấu cơ hiện đại đi chặn đầu máy bay Trung Quốc. Đây chính là bước mở màn leo thang trên bầu trời. Kể từ sau đó, những cuộc đối đầu trên không giữa máy bay hai nước Trung, Nhật trở nên thường xuyên hơn.
 
Tokyo tin rằng, Trung Quốc đang tìm mọi cách để phá vỡ thế nguyên trạng hiện nay nhằm tiến dần tới việc giành lấy chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – khu vực đang nằm trong quyền kiểm soát và quản lý của Nhật Bản.
 
Cuộc tranh chấp Trung-Nhật đặc biệt căng thẳng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền hồi cuối năm 2012. Ông này đã áp dụng một lập trường vô cùng cứng rắn, quyết liệt và nhất quyết không chịu nhượng bộ trước nước láng giềng Trung Quốc. Thủ tướng Abe từng thẳng thừng tuyên bố, Tokyo sẵn sàng “dùng vũ lực” để chặn bất kỳ hành động đổ bộ nào của phía Trung Quốc xuống quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
 
Nhà lãnh đạo Abe tiếp tục khiến Bắc Kinh lo lắng phát sốt khi liên tiếp có những hành động quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc. Chính quyền của Thủ tướng Abe đang nỗ lực hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tăng chi tiêu quốc phòng và tìm cách thay đổi hiến pháp hòa bình với mục tiêu xây dựng một quân đội vừa mạnh vừa chủ động hơn

T.H

Các tin khác