Quốc tế

10 sự kiện nóng bỏng thế giới 2013

10:20, 27/12/2013 (GMT+7)

1. Xu thế hòa hoãn và thỏa hiệp tại khu vực Trung Đông

Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận với Iran về hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, theo đó Tehran cam kết không làm giàu urani trên mức 5% trong 6 tháng.

Tại Syria, vào phút chót, Nga đưa ra đề xuất Syria giao nộp và hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học, tháo ngòi nổ cho cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria. Các thỏa thuận này phản ánh xu thế hòa hoãn và thỏa hiệp của các nước lớn trong các vấn đề quốc tế để dành sức giải quyết các công việc nội bộ.

Tòa nhà lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Bushehr, Iran. Ảnh chụp ngày 26/10/2010 (AP)

2. Khủng hoảng ngoại giao quốc tế vì chương trình do thám PRISM của Hoa kỳ.

Những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén và theo dõi hàng trăm triệu cuộc điện thoại và thư điện tử của nhiều người, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo các nước đồng minh khiến chính phủ Mỹ bị thế giới và ngay cả dư luận Mỹ chỉ trích, lên án mạnh mẽ.

Đức và Brazil đệ trình và được Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về “Quyền riêng tư”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải trấn an và ra lệnh xem xét cải tổ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ.

Tivi đang đưa tin về những tiết lộ của cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden tại một trung tâm mua sắm ở Hongkong, ngày 23/6/2013 (Ảnh AP)

3. Nelson Mandela, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, từ trần ở tuổi 95.

Nelson Mandela, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, vì tự do, vì công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội, từ trần ở tuổi 95. Ông cũng được coi là Người hòa giải vĩ đại. Nelson Mandela không những được người dân trong nước mà cả thế giới yêu mến và ngưỡng mộ.

Cựu Tổng thống Nam Phi vẫy tay chào công chúng trong chuyến thăm Anh ngày 29/4/2001 (Ảnh Reuters)

4. Hồng y Jorge Mario Bergoglio người Argentina được bầu làm Giáo hoàng với tông hiệu là Francis.

Giáo hoàng Francis được chọn kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI, Giáo hoàng đầu tiên thoái vị kể từ Giáo hoàng Celestine V hơn 7 thế kỷ trước. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một người Mỹ Latinh được bầu làm Giáo hoàng. Giáo hoàng Francis được đánh giá là người khiêm nhường, quan tâm đến người nghèo, sẵn sàng đối thoại với các nhóm cộng đồng có tư tưởng, xuất thân và niềm tin khác nhau.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào giáo dân từ ban công Thánh đường St. Peters, Vatican, khi phát biểu Thông điệp Giáng sinh ngày 25/12/2013 (Ảnh Reuters)

5. Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), gây phản ứng mạnh trong khu vực và quốc tế.

Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc đơn phương thiết lập bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý và chồng lấn lên cả vùng phòng không của Hàn Quốc trên biển Hoa Đông cho thấy tranh chấp ở khu vực Đông Bắc Á không chỉ trên biển mà mở rộng tới cả vùng trời. Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.

Bản đồ Khu vực Nhận dạng phòng không do Trung Quốc đơn phương tuyên bố, trong đó bao gồm những khu vực chống lấn với các nước Đông Bắc Á (Ảnh AFP)

6. Bất ổn chính trị diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới

Tại Thái Lan, các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức sau khi Chính phủ đề nghị thông qua Dự luật Ân xá đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội. Thủ tướng Yingluck Shinawatra buộc phải tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào đầu năm sau.

Tại Campuchia, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia tiếp tục tẩy chay Quốc hội mới do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền chiếm đa số.

Đất nước Ukraine cũng chìm trong khủng hoảng do phe đối lập phát động biểu tình dài ngày phản đối việc chính phủ quyết định rút khỏi thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU)

Thủ tướng Thái Lan Yingluck trong một chuyến đi vận động tranh cử ở vùng đông bắc ngày 18/12/2013(Ảnh AFP)

7. Các tổ chức khủng bố cực đoan mở rộng địa bàn hoạt động tại Châu Phi.

Chủ nghĩa cực đoan đang hình thành tại châu Phi với hàng loạt vụ khủng bố tại Somalia, Nigeria, Mali, Algieria…

Đặc biệt, vụ bắt cóc con tin tại Trung tâm Thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya khiến 62 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương. Vụ việc ở Westgate thể hiện tính chất nghiêm trọng và quy mô của hoạt động khủng bố tàn nhẫn và cực kỳ táo tợn của nhóm Những tay súng Hồi giáo Somalia có liên quan tới Al-Qaeda.

Một em bé chạy trốn trong khu Trung tậm Thương mại Westgate, Nairobi, Kenya, ngày 21/9/2013 (Ảnh Reuters)

8. Saudi Arabia từ chối ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Liên Hợp Quốc. Hành động của Saudi Arabia là để phản đối cách giải quyết của Hội đồng Bảo an đối với cuộc khủng hoảng ở Syria và cuộc xung đột Israel – Palestine. Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực chất quyết định của Saudi Arabia là nhằm thể hiện thái độ của nước này đối với chính sách mà Mỹ áp dụng khi xử lý các vấn đề ở Trung Đông chứ không phải là với Liên Hợp Quốc.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh AP)

9. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đạt bước đột phá trong đàm phán thương mại toàn cầu

Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đạt được “Thỏa thuận Bali đầy đủ” mở ra triển vọng khai thông bế tắc của Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu khởi động từ năm 2001. Thỏa thuận Bali bao gồm các cam kết tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại bằng việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và dỡ bỏ các rào cản thương mại. Theo dự tính, nếu được thực thi đầy đủ, các biện pháp thuế quan trong khuôn khổ thỏa thuận có thể bơm khoảng 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo bắt tay Chủ tịch Hội nghị Gita Wirjawan tại Lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng WTO Bali của Indonesia ngày 07 tháng 12 năm 2013

10. Siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 người.

Haiyan là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, có sức gió trung bình đạt trên 300km/h, tàn phá nhiều tỉnh miền Đông Philíppin, làm chết hơn 7.000 người và gần 2 triệu người mất nhà ở.

Bão Haiyan và mực nước biển trên toàn cầu dâng lên mức cao kỷ lục 3,2 milimét/năm là những ví dụ điển hình của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành tinh của chúng ta. Trong khi đó, Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vẫn chưa có đột phá mới nào, mà chỉ đạt được một số nguyên tắc chính trong việc cắt giảm khí thải CO2.

Những con sóng lớn đập vào bờ ở tỉnh Albay, Philippines trong siêu bão Haiyan (Ảnh: AFP)

 

Nguồn: VOV

Các tin khác