Quốc tế
Biểu tình 'Đóng cửa BangKoc' thành bạo lực đẫm máu
Máu đã đổ trong các cuộc biểu tình |
Cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nhưng đã biến thành bạo lực khi có gần 30 người bị thương trong một loạt vụ nổ xảy ra hôm qua (19/1) nhằm vào người biểu tình.
Hôm qua (19/1), các cuộc biểu tình chống chính phủ do thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban dẫn đầu tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok. Những người biểu tình tiếp tục giơ cao các khẩu hiệu yêu cầu Thủ tướng Yingluck từ chức. Nhưng theo các nhà quan sát, quy mô các cuộc biểu tình đã giảm so với những ngày trước đó và có rất ít dấu hiệu cho thấy phong trào đang lan rộng ra ngoài thủ đô và tới các vùng nông thôn, nơi Thủ tướng Yingluck Shinawatra có đông đảo người ủng hộ.
Tuy nhiên, trong ngày thứ 7 của chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” đã xảy ra bạo loạn. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ tại những khu vực biểu tình. Theo Trung tâm cứu trợ Bangkok, đã có 28 người bị thương và phải nhập viện sau một loạt vụ nổ. Trong khi đó, những người biểu tình cho biết, 4 người bị thương trong 2 vụ nổ ở quảng trường Chiến thắng mà những người biểu tình dựng trại từ đầu tuần này.
Đây là loạt vụ bạo lực mới nhất xảy ra tại thủ đô trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị của quốc gia Đông Nam Á này vẫn tiếp diễn. Trước đó, chỉ 2 ngày, đã xảy ra một vụ nổ ở thủ đô Bangkok, làm hơn 30 người bị thương, trong đó một người đã tử vong do vết thương quá nặng. Vụ việc đã là gia tăng căng thẳng tại Thái Lan sau 4 ngày biểu tình yên bình. Hiện vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau vụ nổ này, song các bên tại Thái Lan hôm qua tiếp tục đổ lỗi cho nhau.
Dù bên nào gây bạo lực, song tình trạng căng thẳng leo thang chỉ 2 tuần trước khi diễn ra tổng tuyển cử càng làm gia tăng những lo ngại về khả năng về một sự can dự sâu hơn của Quân đội nhằm chấm dứt bế tắc chính trị hiện nay, vốn đang làm trầm trọng hơn những vấn đề về kinh tế và xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày hôm qua (19/1), Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã kêu gọi cả hai bên trong cuộc xung đột chính trị hiện nay hãy ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp cho đất nước, dù thừa nhận rất khó có thể tìm ra được một trung gian hòa giải được cả hai bên chấp nhận.
Tướng Thanasak cũng bác bỏ tin đồn rằng ông đang có kế hoạch tổ chức đảo chính quân sự để trở thành Thủ tướng tiếp theo ở Thái Lan. Ông này khẳng định rằng quân đội vẫn có mối quan hệ tốt với cảnh sát và có thể thảo luận mọi chuyện một cách cởi mở.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan là không dễ giải quyết. Bởi thực tế là mâu thuẫn trên chính trường Thái Lan đã tồn tại quá lâu và việc hóa giải nó cần phải có nhiều thời gian cũng như nỗ lực.
Việc tìm kiếm giải pháp trên cơ sở tôn trọng pháp luật và thể chế dân chủ vẫn là cơ sở cần thiết và quan trọng nhất. Và một điều không thể phủ nhận là nếu tiếp tục "so găng" bằng các yêu sách không thể hiện nguyện vọng của đại đa số người dân chắc chắn sẽ đưa nền kinh tế số hai Đông Nam Á vào ngõ cụt đầy bất ổn.
T.H