Băng ở Bắc Cực đang tan chảy ở mức kỷ lục (Ảnh: cosmostv.org) |
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng học thế giới công bố tại cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ cho thấy, khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2012 được xem là thời kỳ nóng thứ 9 trong lịch sử loài người, tính từ năm 1850 đến nay. Trong đó, riêng nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương đã cao hơn 0,45 độ so với nhiệt độ của giai đoạn những năm 1961-1990.
Nhiệt độ luôn ở mức trên trung bình trong khoảng 10 tháng của năm 2012, đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ trái đất, ngoại trừ Australia và các khu vực phía Bắc của Trung Quốc. Thực tế này đã tác động mạnh tới tốc độ tan chảy của băng Bắc Cực.
Ông Michel Jarraud, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng học thế giới cho biết: “Mùa đông năm nay, băng Bắc Cực sẽ vẫn hình thành song đó sẽ chỉ là những lớp băng mới. Chúng sẽ mỏng hơn nhiều so với các lớp băng cố hữu của Bắc Cực. Vì vậy chúng sẽ dễ dàng bị tan chảy trước những biến động của thời tiết trong thời gian tới”.
Ông Jarraud cũng cho biết, giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2011 luôn được xem là thời kỳ nóng kỷ lục của thế giới. Vì vậy, dù bị ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, 10 tháng đầu năm 2012 cũng sẽ không nằm ngoài quy luật trên.
Báo cáo của Tổ chức khí tượng học thế giới lần này, được xem là lời cảnh báo với thế giới về tình trạng ấm nóng toàn cầu, trong bối cảnh các nhà đàm phán khí hậu các nước đang nhóm họp tại Doha, Qatar. Bản cập nhật đầy đủ về thời tiết của cả năm 2012 sẽ được công bố vào tháng 3 năm 2013.