TIN TỨC SỰ KIỆN
Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ những phiên tòa giả định
(Congan.nghean.gov.vn)- Được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian qua, những “phiên tòa giả định” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Sở Giáo dục & đào tạo tổ chức tại các trường học trên địa bàn đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Thông qua các phiên tòa giả định này đã giúp người dân, nhất là các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Phiên tòa giả định về phòng, chống ma túy tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (huyện Quỳnh Lưu) |
Đầu tháng 5/2024, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh) đã diễn ra một phiên tòa giả định đặc biệt. Trước khi bước vào phiên tòa giả định, đại biểu cùng các em học sinh xem một tiểu phẩm được dàn dựng, tái hiện về một vụ án có thật trước khi đưa ra xét xử. Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ thành phần, trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự bao gồm: phần bắt đầu phiên tòa, phần xét hỏi, tranh luận và tuyên án. Bằng kịch bản chặt chẽ, dễ hiểu cùng sự vào vai rất đạt các diễn viên không chuyên: thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, người làm chứng ... đã giúp các em học sinh hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, tội danh, áp dụng mức hình phạt, biện pháp tư pháp cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.
Phiên tòa giả định góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của thanh, thiếu niên |
Tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (huyện Quỳnh Lưu), sau khi diễn ra phiên tòa giả định về phòng, chống ma túy, Ban tổ chức cũng đã giao lưu với học sinh qua phần hỏi đáp với nhiều câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật về phòng, chống và tác hại của ma túy. Điều này giúp các em vận động tư duy, có kỹ năng nhận biết những vấn đề trong cuộc sống và kiến thức về pháp luật. Đồng thời, truyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các em học sinh trong việc bài trừ phòng chống tội phạm về ma túy. Em Nguyễn Tuệ Như (học sinh trường THPT Quỳnh Lưu 1) chia sẻ: Qua phiên tòa giả định này đã giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm luật. Từ đó, chúng em sống, học tập và làm việc đều có ý thức chấp hành pháp luật và còn tuyên truyền được cho người thân, những người xung quanh những kiến thức về pháp luật thiết thực, ý nghĩa.
Thời gian qua, những phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên đã được Công an các đơn vị, địa phương phối hợp Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức rộng rãi. Nội dung các phiên tòa giả định được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Phiên tòa giả định mang tính trực quan, phản ánh đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng, giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người xử án, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Thông qua phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các bị cáo trong buổi xét xử, dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật, để từ đó tránh những vi phạm tương tự.
Việc tổ chức và nhân rộng các phiên tòa giả định được xem là cách làm thiết thực, sáng tạo, mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe cao đối với mọi người, nhất là thanh, thiếu niên. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Phiên tòa giả định cũng là một trong chuỗi các hoạt động thuộc mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” do Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức, triển khai.
Phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong tuyên truyền pháp luật thuộc mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” |
Trước đó, đầu tháng 3/2024, để chủ động phòng ngừa và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường an ninh, an toàn trong trường học, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng ứng phó với ngoại cảnh tác động đến cán bộ, giáo viên, học sinh trong các trường học trên địa bàn, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức xây dựng, triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học trên địa bàn tỉnh” và triển khai đồng loạt tại 4 cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT).
Phạm Thủy