Tin tức sự kiện

Thủ tướng: Quyết bàn tiến mà không bàn lùi trong phát triển

09:31, 10/07/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Chiều nay, 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre, một trong 12 tỉnh có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đây cũng là lần đầu tiên từ trước đến nay Bến Tre có mức tăng trưởng âm. Cuộc làm việc hôm nay để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong quá trình phát triển cũng như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, “bài toán lớn” mà Thủ tướng đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương trong năm nay.
 
Thời gian qua, Bến Tre gặp “tác động kép” là ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Ước tính tổng thiệt hại khu vực lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1.660 tỷ đồng do hạn mặn. Trong 6 tháng, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giảm 1,37%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư và số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt thấp (6 tháng, tỷ lệ giải ngân đạt 30% kế hoạch).
 
Tuy vậy, với tinh thần “Đồng khởi”, xứ dừa Bến Tre vẫn đạt thu ngân sách khá, ở mức 51% kế hoạch, tương ứng với gần 2.500 tỷ đồng.
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 3,34%. Bến Tre có 2 khu công nghiệp đã được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản đồng bộ và đi vào hoạt động đạt hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, “năm nay, tỉnh sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng cao nhất”. Về định hướng phát triển, lãnh đạo Bến Tre cho biết sẽ hướng về phía Đông (hướng biển), phát triển kinh tế biển; tăng cường kết nối giao thông, kết nối vùng với Cần Thơ, TPHCM. Thời gian qua, đã có doanh nghiệp “đại bàng” về tỉnh "làm tổ". Bến Tre phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 80% trong năm nay.
 
Là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người đứng cuối trong 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bến Tre quyết tâm cân đối được ngân sách vào năm 2030.
 
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bến Tre có nhiều lợi thế, trong đó nông nghiệp là một thế mạnh, đặc biệt là dừa. Tỉnh không chỉ "làm tổ" đón doanh nghiệp “đại bàng”, mà còn "rải gạo ngon cho chim sẻ về đây", vì vậy, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 51%, cao hơn mức trung bình cả nước và khu vực ĐBSCL.
 
Chia sẻ khó khăn với Bến Tre, Thủ tướng nhìn nhận, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn. “Lần này chưa bao giờ nước mặn vào sâu như thế”, Thủ tướng nhắc điều này để sang năm, khi ứng phó với hạn mặn tỉnh có biện pháp khắc phục để người dân không thiếu nước uống. Nhắc lại chuyến công tác tại Bến Tre về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Bến Tre là đến năm 2023, tỉnh bảo đảm không còn tình trạng nhiễm mặn.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đánh giá cao việc Bến Tre chú ý công tác quy hoạch phát triển, Thủ tướng nhất trí với tầm nhìn phát triển của Bến Tre, cho biết, đa số các tỉnh có biển đều chú trọng phát triển hướng Đông, kinh tế biển.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đánh giá, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm; tinh thần đoàn kết, quyết tâm đưa tỉnh phát triển được thể hiện rõ trong cấp ủy và chính quyền. Nhờ vậy, kinh tế Bến Tre phát triển khá. Một số lĩnh vực phát triển nhanh. Thu ngân sách nhiều cố gắng, hiện tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá; quy hoạch được chú trọng gồm cả quy hoạch đô thị. Nông nghiệp chuyển biến toàn diện. Xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai và vượt kế hoạch về số xã đạt chuẩn. Chương trình khởi nghiệp đạt kết quả tốt. Văn hóa-xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo còn gần 5%. 
 
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, kinh tế của tỉnh gặp khó khăn do COVID-19, hạn mặn, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
 
Chia sẻ với khó khăn của tỉnh, về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tinh thần “quyết bàn tiến mà không bàn lùi trong phát triển”. Bến Tre phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa. Phải tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020, phấn đấu quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. “Tỉnh cam kết giải ngân 80%, nhưng tôi khoán thêm cho tỉnh 10% nữa, tức là phải giải ngân ít nhất 90%” Thủ tướng nói và nhắc lại tình trạng của một số địa phương tích cực đi xin vốn về nhưng lại chậm giải ngân, không tiêu được tiền.
 
Tỉnh phải đón bắt thời cơ hội nhập quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia như EVFTA. Bến Tre phải xây dựng một số trung tâm trong một số lĩnh vực của vùng ĐBSCL, trong đó có giống cây, dừa, xứng tầm với sự phát triển…
 
Tỉnh phải phát triển chuỗi giá trị nông sản, phát triển du lịch để đưa du lịch Bến Tre thành điểm đến trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng… Xây dựng thương hiệu nông sản Bến Tre.
 
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số đề nghị của tỉnh, trong đó có việc cần có cơ chế mới cho vùng ĐBSCL để điều phối việc sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong; hoàn thiện, khép kín hệ thống thủy lợi đầu mối nhằm hạn chế tác động của hạn, mặn, xói lở, ứng phó biến đổi khí hậu, “ngọt hóa” Bến Tre; đầu tư phát triển một số dự án cơ sở hạ tầng kết nối phục vụ phát triển; phát triển các dự án điện khí, điện gió theo quy hoạch…

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác