Tin tức sự kiện

Vết nứt không dễ hàn gắn

09:50, 17/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong lúc “cuộc chiến” khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân còn chưa kết thúc, thì cuộc tranh giành ai là người đầu tiên nhận được vaccine COVID-19 dường như đã bắt đầu. Cuộc chiến này đã một lần nữa phơi bày những vết nứt không dễ hàn gắn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.
 
Đầu tuần này, Paul Hudson, Tổng Giám đốc của “người khổng lồ” dược phẩm Pháp Sanofi, phát biểu với hãng tin Bloomberg rằng nếu Sanofi phát triển được vaccine phòng COVID-19 thì nước Mỹ sẽ được ưu tiên trước. 
 
Ông cho rằng điều này là dễ hiểu bởi Mỹ là nước đã tài trợ tài chính hàng đầu cho nghiên cứu vaccine của hãng. Phát biểu này đã ngay lập tức “gây bão” trong dư luận và chính phủ Pháp. 
 
Để dập tắt những tranh cãi và chỉ trích xung quanh chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, ông Paul Hudson đã phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời khẳng định sẽ không có ưu tiên đặc biệt dành cho bất kỳ quốc gia hay khu vực nào trong việc tiếp cận vaccine chống COVID-19. 
 
Ông nói: “Vaccine được sản xuất trên đất Mỹ sẽ phục vụ cho thị trường Mỹ, còn vaccine vẫn sẽ được bào chế ở Pháp và cung cấp cho thị trường châu Âu. Chúng tôi sẽ cố gắng và cung cấp đủ vaccine cho tất cả mọi người. Và tất nhiên các công ty khác cũng sẽ làm như vậy. Tôi vô cùng xin lỗi khi những phát biểu của mình lại dẫn đến tranh cãi”. 
Phát biểu của CEO Sanofi đã “gây bão” trong dư luận và chính phủ Pháp.
Phát biểu của CEO Sanofi đã “gây bão” trong dư luận và chính phủ Pháp.
Tuy nhiên, phát biểu vẫn là chưa đủ để trấn an dư luận tại châu Âu, đặc biệt là Pháp. Bởi trước đó sáng cùng ngày, tập đoàn này đã tìm cách “đá quả bóng” sang phía Liên minh châu Âu (EU) khi cho rằng khối này không đủ hiệu quả, không đủ quyết liệt và đặc biệt là không đủ “hào phóng” như Mỹ để đầu tư vào việc nghiên cứu vaccine. 
 
Và, dù Sanofi khẳng định không có chuyện phân biệt đối xử giữa Mỹ, châu Âu hay bất kỳ nơi nào khác, song vụ việc đã một lần nữa phơi bày những vết rạn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sau trang thiết bị bảo vệ cá nhân, khẩu trang y tế, thì nay là vaccine chống COVID-19.
 
Sanofi được coi là một trong những “cánh chim đầu đàn” của Pháp trong ngành dược phẩm và được chính phủ trợ giúp nhiều nhất trong việc nghiên cứu. Vì thế, đối với Pháp, tuyên bố của Sanofi là điều “không thể chấp nhận được”. “Với chúng tôi, không thể chấp nhận được khi dành ưu tiên cho bất cứ quốc gia nào chỉ vì lý do tài chính”, Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnès Pannier-Runacher tuyên bố trên kênh Radio Sud. 
 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, ông bị sốc trước tiết lộ của một công ty được coi là lá cờ đầu của nền công nghiệp Pháp, hàng năm được miễn thuế 150 triệu euro. Ông tỏ ra khá gay gắt khi tuyên bố, mọi nỗ lực được triển khai trong những tháng vừa qua cho thấy vaccine cần phải trở thành một tài sản chung của thế giới, tránh xa mọi quy tắc của thị trường. Tổng thống Pháp khẳng định sẽ triệu tập các lãnh đạo Sanofi tới Điện Élysée vào đầu tuần tới. 
 
Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đã lập tức gọi điện cho CEO chi nhánh tại Pháp của Sanofi, Olivier Bogillot về vụ “Nước Mỹ trước tiên”. “Ông có hiểu chúng tôi sốc thế nào khi nghe tin một trong những công ty hàng đầu của Pháp lại đi phục vụ người Mỹ trước?”, Bộ trưởng Véran chất vấn. 
 
Đáp lại, ông Bogillot đã cố gắng giải thích rằng “sản xuất một vaccine thông thường mất 10 năm, nhưng chúng tôi đang cố gắng làm trong 18-24 tháng” và nhấn mạnh Sanofi có các cơ sở sản xuất vaccine khổng lồ tại Pháp và châu Âu, vì thế người châu Âu cũng sẽ nhanh chóng nhận được vaccine.
 
Chủ trương “Người Mỹ trước tiên” của Sanofi cũng khiến người dân Pháp và châu Âu bất bình, nhất là khi đầu tháng 5 này, EU tổ chức sự kiện vận động ủng hộ nỗ lực phát triển vaccine, nhận được cam kết 8 tỉ USD, nhưng Mỹ và Nga đã vắng mặt tại sự kiện. Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng vaccine COVID-19 cần phải được chia sẻ cho tất cả mọi người và không nên chịu ảnh hưởng bởi các quy luật thị trường. 
 
Chia sẻ quan điểm này, ông Stefan De Keersmaecker, người phát ngôn về chính sách y tế của Ủy ban châu Âu, cũng cho rằng vaccine nên là hàng hoá công cộng toàn cầu: “Việc tiếp cận cần công bằng và phổ cập”. Cuộc tranh luận cũng diễn ra sôi nổi trên các mạng xã hội. 
 
Ông Xavier Bertrand, Chủ tịch vùng Hauts de France, cựu thành viên đảng Cộng hòa và là cựu Bộ trưởng Y tế Pháp đã chất vấn Tổng thống Emmanuel Macron khi cho rằng, thật không thể tưởng tượng được khi một doanh nghiệp có trụ sở tại Pháp và hưởng lợi từ chính phủ  lại nghĩ rằng sẽ cung cấp vaccine cho Mỹ trước cả Pháp. 
 
Lãnh đạo đảng Xã hội Olivier Faure thì tuyên bố, Pháp không thể phụ thuộc vào Trung Quốc về khẩu trang và cũng không thể chứng kiến thành quả nghiên cứu của mình rơi vào tay Mỹ. Chính phủ sẽ không để điều này xảy ra.
 
Trong khi đó, ông Yannis Natsis, thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (tương đương với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho rằng, thực tế đã khác và sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt để tiếp cận với vaccine COVID-19. 
 
Ông Yannis Natsis thừa nhận một thực tế là hầu hết các loại thuốc luôn được lưu hành đầu tiên ở Mỹ “bởi vì ở đó, chúng nhận được giá cao nhất” và “bởi vì Mỹ không có hệ thống chăm sóc sức khỏe, họ có thị trường. Và nguyên tắc là bầu trời có giới hạn đến chừng nào thị trường có thể chịu được”. 
 
Các quốc gia châu Âu cung cấp bảo hiểm toàn cầu cho công dân của họ, vì vậy họ thường đàm phán với các công ty dược phẩm để được giá thấp hơn. Điều đó dẫn đến nhiều loại thuốc ở châu Âu có giá thấp hơn nhiều so với ở Mỹ. Với việc Mỹ cam kết chi rất nhiều tiền để phát triển vaccine thì sẽ không có gì ngạc nhiên nếu đây là thị trường đầu tiên được phục vụ. 
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sanofi Serge Weinberg cho biết Mỹ đã đóng góp khoảng 600 triệu USD cho nghiên cứu của Sanofi. Trong một cuộc phỏng vấn căng thẳng, ông Serge Weinberg nói rằng, ông hiểu tại sao người Pháp cảm thấy tức giận, nhưng ông không muốn thể hiện bất kỳ sự mơ hồ nào. Ông nhấn mạnh rằng người Pháp và những người châu Âu khác sẽ được tiêm vaccine cùng lúc với người Mỹ - vì vaccine cũng được sản xuất tại các nhà máy châu Âu của Sanofi. 
 
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 đã công bố một nỗ lực mới nhằm phát triển thành công vaccine COVID-19 vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông tuyên bố Mỹ sẽ trở lại cuộc sống bình thường dù có hay không có vaccine.
 
Cuộc chiến giành quyền ưu tiên tiếp cận vaccine chỉ là một trong rất nhiều những tranh cãi thời gian gần đây giữa Mỹ và châu Âu. Đầu tháng 4 vừa qua, các quan chức Pháp tố Mỹ dùng tiền mặt, trả giá cao gấp 3-4 lần để “cướp” các lô hàng trang thiết bị bảo vệ cá nhân ngay tại sân bay Trung Quốc.
Nhiều nước đòi phát miễn phí vaccine
 
Nhiều nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia trên thế giới nhất trí cho rằng bất kỳ loại vaccine cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19 an toàn và hiệu quả đều cần phải được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới. 
 
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Pakistan Imran Khan nằm trong danh sách hơn 140 người ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng bất kỳ vaccine nào cũng không thể trở thành độc quyền và chúng phải được chia sẻ cho các quốc gia.
 
Theo nội dung bức thư, các chính phủ và đối tác quốc tế phải thống nhất rằng khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được phát triển, nó cần nhanh chóng được sản xuất quy mô lớn và có sẵn cho tất cả mọi người, ở tất cả các quốc gia và miễn phí. Điều này cũng được áp dụng đối với toàn bộ phương pháp điều trị, chẩn đoán cũng như các công nghệ khác liên quan tới COVID-19.

Nguồn: CAND

Các tin khác