Tin tức sự kiện

COVID-19 ở Trung Quốc phức tạp trở lại

08:28, 11/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Sau vài ngày không có ca bệnh nội địa mới, Trung Quốc đại lục lại ghi nhận sự tăng bật trở lại của 14 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong ngày 9/5. Các địa phương ở Trung Quốc một lần nữa phải nhắc nhở người dân không được mất cảnh giác trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh trong nước.
 
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 10/5 cho biết, trong số những ca nhiễm mới có 2 trường hợp từ nước ngoài về ở thành phố Thượng Hải, 1 ca ở Vũ Hán - kết thúc hơn 30 ngày liên tiếp thành phố này không có bệnh nhân bản địa mới nào. Mặc dù nhiều ngày không có COVID-19 mới, song trong thời gian qua, do là vùng tâm dịch, Vũ Hán vẫn xuất hiện các trường hợp không triệu chứng mỗi ngày. 
 
Mới đây nhất là 1 ca COVID-19 không triệu chứng người Vũ Hán đi máy bay đến tỉnh Hải Nam thăm thân và được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngay khi đặt chân xuống sân bay, trong khi người nhà và bạn bè của người này ở Vũ Hán không ai mắc bệnh.
 
11 ca bệnh còn lại của Trung Quốc đều ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, nơi vừa phát hiện 1 ca bệnh trong cộng đồng hôm 8-5. Do số bệnh nhân bản địa tăng nhanh chỉ sau 1 ngày, thành phố cấp huyện này đã phải nâng mức rủi ro dịch bệnh trong 2 ngày liên tiếp, lên mức có nguy cơ vào hôm 9-5 và nguy cơ cao vào ngày 10-5. Điều đó đồng nghĩa với việc thành phố này có thể sẽ lại bị phong tỏa và quản lý nghiêm ngặt khu dân cư.
 
Được biết, trong số 11 bệnh nhân bản địa mới tại đây, có 7 trường hợp là những người tiếp xúc gần với ca bệnh trong cộng đồng kể trên mà đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn lây nhiễm. Số còn lại là những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần của bệnh nhân trên.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện ở Trung Quốc.  Ảnh: SINA
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện ở Trung Quốc. Ảnh: SINA
Các địa phương ở Trung Quốc một lần nữa phải nhắc nhở người dân không được mất cảnh giác trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh trong nước. Riêng tỉnh Cát Lâm đã nâng mức cảnh báo đại dịch COVID-19 tại thành phố Thư Lan, từ mức trung bình lên mức cao sau khi xác nhận các ca nhiễm mới tại địa phương này.
 
Cũng tại khu vực châu Á, ngày 10/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã báo cáo thêm 34 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày 9/5. Đây là số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Theo báo cáo của KCDC, hầu hết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được xác nhận có liên quan đến các câu lạc bộ và quán bar ở khu phố Itaewon, Thủ đô Seoul.
 
Hiện, các câu lạc bộ đã tạm ngừng hoạt động và tiến hành xét nghiệm COVID-19 và kiểm dịch với hơn 1.500 trường hợp đã từng đến các câu lạc bộ này. Nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát “làn sóng dịch bệnh thứ 2”, hôm 9-5, chính quyền thành phố Seoul đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của tất cả các quán bar, câu lạc bộ, cũng như các cơ sở giải trí hoạt động về đêm ở nước này.
 
Tới nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.874 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với số người tử vong vẫn duy trì ở mức 256 người. Cũng trong ngày 10/5, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, trong vòng một ngày qua, nước này đã ghi nhận thêm 128 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 3.277 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong lên 2.109 ca và tổng số ca nhiễm lên 62.939 ca.
 
Trong khi đó, tại châu Mỹ, Bộ Y tế Brazil cùng ngày đã báo cáo kỷ lục mới trong ngày với 10.611 ca nhiễm mới và 730 người tử vong chỉ trong vong 24 giờ, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Nam Bán cầu.
 
Đến nay, quốc gia Nam Mỹ đã ghi nhận tổng cộng gần 11.000 người tử vong và khoảng 156.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều giới chức khoa học tại quốc gia này dự đoán số liệu thực tế sẽ còn cao hơn nhiều lần do việc xét nghiệm COVID-19 vẫn chưa được tiến hành rộng rãi.
 
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, Thống đốc bang Sao Paulo và Rio de Janeiro vừa qua đã gia hạn lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế xã hội đến hết ngày 31-5, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì lo ngại các biện pháp hạn chế quá chặt chẽ sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
 
Cũng tại khu vực này, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong. Tính đến hết ngày 9-5, nước này đã ghi nhận 80.037 ca tử vong và 1.347.309 ca mắc COVID-19. Số ca tử vong do dịch bệnh tại Mỹ giảm nhưng vẫn tương đối cao so với các quốc gia khác.
 
Tại châu Âu, nhìn chung tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng giảm. Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha sau thời gian lên đến đỉnh, dịch bệnh đang diễn biến chậm lại. Một số nước châu Âu đã từng bước mở lại nền kinh tế khi các quan chức EU dự báo kinh tế khu vực này sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất kể từ đại khủng hoảng.
 
Tuy nhiên, dịch bệnh tại Nga đang có chiều hướng xấu đi. Hiện giờ nước này đã lọt vào top 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Nga ghi nhận thêm 10.817 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm bệnh ở Nga lên 198.676 trường hợp, trong đó có 1.827 ca tử vong. Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Singapore ghi nhận 22.460 ca mắc, trong đó có 20 ca tử vong.
 
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố gói giải pháp “ngắt mạch” để ngăn chặn COVID-19 lây lan sẽ được gia hạn đến 1/6, trong khi các quy tắc hiện hành được thắt chặt hơn trong hai tuần tới. Indonesia ghi nhận 13.645 ca mắc, trong đó có 959 ca tử vong. Bộ Giao thông Indonesia thông báo đã khôi phục vận tải hàng không lại từ ngày 8/5 nhưng vẫn ở mức hạn chế. Ổ dịch lớn nhất Trung Đông – Thổ Nhĩ Kỳ - ghi nhận thêm 1.546 ca mắc mới và 50 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 9/5. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 137.115 trường hợp, trong đó có 3.739 ca tử vong.
 
Theo dữ liệu của Worldmeters, tính đến 8h sáng 10/5, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là 4.100.625 trường hợp, trong đó 280.431 trường hợp tử vong. Số ca phục hồi là 1.439.919. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù số ca mắc mới và tử vong có liên quan đến COVID-19 trên thế giới vẫn tăng cao nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại đáng kể so với trước.

Nguồn: CAND

Các tin khác