Sai lầm tệ hại
Điều thú vị nhất là chiến dịch đổ bộ đường không để chiếm đảo Crete là hoàn toàn ngẫu nhiên. Ngày 22/5/1941, một đoàn tàu vận tải Đức rời khỏi đảo Milos và tiến về đảo Crete để vận chuyển xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác không thể triển khai trên máy bay. Hạm đội Anh thống trị trên biển và chỉ huy Đức vì một số lý do nào đó, tỏ ra quá bất cẩn không yểm trợ đoàn tàu từ trên không.
Đoàn tàu đã cố gắng tiếp cận đảo Crete vào ban đêm, nhưng bị các thủy thủ Anh phát hiện và tấn công. “Hầu hết các con tàu bị đánh chìm cùng với hàng hóa, 300 người đã chết. Chỉ có một số ít đến được đảo và trốn thoát”, Tướng Đức Kurt Tippelskirch đã viết trong “Lịch sử Thế chiến II”. Vì vậy, gần như toàn bộ sự khốc liệt của các trận chiến cho đảo dồn lên vai của lính đổ bộ và lính nhảy dù Đức được chuyển đến đó bằng tàu lượn và máy bay vận tải.
Vị trí đảo Crete (xanh) của Hy Lạp; Nguồn: wikipedia.org |
Tuy nhiên, để máy bay có thể hạ cánh xuống đảo Crete, lính nhảy dù vẫn phải chiếm giữ các sân bay, và họ đã không thành công ngay lập tức. Nhìn chung, người Đức đã phạm nhiều sai lầm trong quá trình thực hiện chiến dịch này. Người Anh, nếu họ muốn giữ hòn đảo một cách nghiêm túc, có thể dễ dàng làm điều đó. Nhưng họ hành động thậm chí còn vô lý hơn đối thủ của họ.
Thi nhau mắc lỗi
Chiến dịch mang tên "Mercury" của Hitler nhằm mục đích tiêu diệt quân đồn trú của Anh trên đảo Crete để thiết lập quyền kiểm soát chiến lược đối với lưu vực Địa Trung Hải, là sự tiếp nối trực tiếp của chiến dịch Hy Lạp của các lực lượng vũ trang Italo-Đức, nhằm đánh bật Anh khỏi Biển Địa Trung Hải.
Sự tham gia hạn chế chiến dịch cũng được trực tiếp thực hiện bởi Không quân và Hải quân Italy. Về phía mình, Thủ tướng Anh Churchill cho biết vào ngày 17/5 rằng nước Anh sẽ chiến đấu bảo vệ đảo Crete đến người cuối cùng. Nhưng hai tuần sau, hòn đảo hoàn toàn nằm trong tay người Đức.
Để đổ quân, Đức Quốc xã đã điều Sư đoàn nhảy dù số 7 và Lữ đoàn Bộ binh sơn cước số 5, cùng trung đoàn tấn công đổ bộ đường không. Tại sao vào giây phút cuối cùng, người Đức quyết định thay thế một phần của các đơn vị đường không bằng bộ binh sơn cước vốn không có kinh nghiệm đổ bộ đường không, sẽ mãi mãi là một bí ẩn.
Cũng hoàn toàn không thể giải thích được tại sao chỉ huy của các lực lượng Anh trên đảo Crete, Tướng New Zealand Bernard Freiberg, vào đêm trước ngày đổ bộ của Đức đã ra lệnh cho các máy bay chiến đấu của Anh đồn trú trên hòn đảo tới Ai Cập, bằng cách đó, họ mất khả năng bảo vệ quân và tàu bè từ trên không.
Crete được bảo vệ bởi Sư đoàn số 2 của New Zealand, Lữ đoàn 19 của Australia, Lữ đoàn Bộ binh 14 Anh và một số đơn vị độc lập của quân đội Anh và Hy Lạp, tổng quân số là 40.000 người. Các lực lượng được quân Đức được điều đánh chiếm đảo có tổng cộng 22.500 quân. Ngoài ra, họ chỉ có thể tham gia trận chiến theo từng phần, điều này làm tăng cơ hội bị đánh bại bởi người Anh ngay từ đầu trận chiến.
Chiến dịch"Mercury" đã thu hút một lực lượng tham chiến lớn của hai phía; Nguồn: wikipedia.org |
Chiến dịch đổ bộ bắt đầu trước bình minh ngày 20/5. Phần lớn lính nhảy dù Đức đã được thả cách xa mục tiêu dự định của họ - sân bay. Ở một số nơi, lính nhảy dù đã trực tiếp rơi xuống vị trí của quân địch. Các vũ khí và thiết bị trong các container được ném từ máy bay hầu hết cũng rơi vào tay người Anh hoặc cách xa những nơi mà lính dù nhảy xuống.
Ngày đầu tiên, người Đức không thể chiếm được một sân bay nào để đáp máy bay vận tải chở bộ binh sơn cước và pháo hạng nhẹ (phản ứng động lực). Các trận chiến đã kéo dài, tạo một số trọng điểm. Người Đức gặp khó khăn trong việc kiềm chế các cuộc phản công của người Anh, Australia và New Zealand, những người đã chiến đấu rất rời rạc.
Người Anh trên đảo Crete đầu hàng
Trong suốt ngày 20/5, Tướng Freiberg đã không thực hiện một cuộc chuyển giao lực lượng bổ sung nào đến các khu vực đổ bộ của lính nhảy dù Đức - hành động mà sau đó được giải thích là, ông ta sợ quân Đức đổ bộ từ biển. Điều này cho phép người Đức vào ngày hôm sau thả một đội lính nhảy dù khác và chiếm sân bay đầu tiên ở Maleme - nơi trước tối 21/5 máy bay vận tải với bộ binh sơn cước đã hạ cánh.
Các trận chiến khốc liệt tiếp tục trong vài ngày nữa. Quân New Zealand xung quanh Maleme liên tục tổ chức các cuộc phản công, và quân tiếp viện Đức tiếp tục được điều đến bằng đường không. Freiberg đã không di chuyển một tiểu đoàn nào từ các phần khác của hòn đảo để hỗ trợ cho bộ binh của mình. Ngày 24/5, ông ta bắt đầu rút quân của mình đến các cảng, chuẩn bị cho cuộc rút quân, mà ông ta đã nhận được phép thực hiện vào ngày 27/5.
Chiến thắng của Hitler không mang lại một lợi ích chiến lược, chiến thuật nào; Nguồn: russian7.ru |
Ngày 30/5, Freiberg rời đảo Crete trên một chiếc thủy phi cơ. Ngày 1/6, tàn quân của lực lượng Anh và Hy Lạp - những người không có thời gian để sơ tán, đã hạ súng. Khoảng 4.000 lính đồng minh đã chết, 17.000 người bị bắt làm tù binh, phần còn lại tìm cách ra khơi. Người Đức đã chết và mất tích như đối phương - gần 3.627 người. Hitler đã coi những tổn thất như vậy đối với các đơn vị tinh nhuệ cao không thể chấp nhận được và từ đó quyết định không tiến hành các chiến dịch đường không.
Chiến thắng vô ích
Mặc dù thực tế là người Đức đã đạt được các mục tiêu chiến thuật của chiến dịch Crete, nhưng kết quả chiến lược của nó hóa ra là bằng không hoặc thậm chí là tiêu cực đối với họ. Máy bay ném bom của Đức từ đảo Crete vẫn không thể hành động chống lại quân đội Anh ở Ai Cập. Người Đức và người Italy không có một hạm đội đủ sức đe dọa các tuyến đường biển của Anh từ đảo Crete ở vùng biển Địa Trung Hải này. Crete trở thành một cái bẫy để quân đội Đức đóng quân ở đó.
Khi chuyển sang tấn công, lực lượng Đồng minh đã không phải mất lực lượng để đánh chiếm giữ đảo Crete; quân Đức đồn trú trên đảo đã đầu hàng vào ngày 10/5/1945. Sai lầm lớn nhất đối với Đức Quốc xã trong chiến dịch Crete là ngoài tổn thất cao không thể chấp nhận được, một phần đáng kể máy bay vận tải quân sự Đức - hơn 500 chiếc - đã bị tách khỏi chiến dịch "Barbarossa" để phục vụ chiến dịch đổ bộ đường không "sáng chói nhất lịch sử" nhưng hoàn toàn vô tác dụng này./.