Thứ Hai, 20/01/2020, 09:47 [GMT+7]

Các chủ đề đưa ra rất phù hợp với tình hình quốc tế

Các chủ đề và đề xuất của Việt Nam đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là rất phù hợp với tình hình quốc tế, đúng thời điểm, và được các nước tham gia với một số lượng cao kỷ lục.
 
Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời cũng là chủ tịch của HĐBA của tháng 1.
 
Với vai trò là chủ tịch của HĐBA, Việt Nam sẽ giữ vai trò điều phối nhằm thúc đẩy các hoạt động đảm bảo hòa bình tại các điểm nóng, đảm bảo tuân thủ các quy định của Hiến chương LHQ. Các ưu tiên và đề xuất của Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế bởi đang đi đúng hướng và phù hợp với lợi ích của các nước.
Một phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Việt Nam chủ trì.
Một phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Việt Nam chủ trì.
Ngay từ khi đảm nhiệm trọng trách này, Việt Nam đã tích cực chủ động rà soát, tham khảo Ban Thư ký LHQ để xây dựng dự kiến Chương trình hoạt động tháng 1 của HĐBA hợp lý, cân bằng, gồm đầy đủ các vấn đề định kỳ, đến hạn xử lý, các vấn đề dự phòng, cũng như các vấn đề ưu tiên của Việt Nam, được các nước thành viên HĐBA ủng hộ, nhất trí thông qua ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Việt Nam tại HĐBA.
 
Theo đó, trong cả tháng 1 này, Việt Nam sẽ chủ trì hơn 30 cuộc họp, thảo luận và quyết định về hoạt động của các Phái bộ gìn giữ hoà bình và Phái bộ chính trị ở các nước như Cyprus, Yemen, Libya…, tình hình Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi, Tây Phi…, và nhiều hoạt động khác.
 
Trong hơn 2 tuần qua, với tư cách Chủ tịch, Việt Nam tổ chức chủ trì 2 sự kiện quan trọng với ưu tiên là tăng cường tuân thủ Hiến chương LHQ và Thảo luận về Báo cáo tình hình chính trị, an ninh của Mali, hoạt động của Phái bộ LHQ nhằm ổn định tình hình Mali (MINUSMA).
 
Sự kiện dấu ấn trọng tâm là Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 9-1 với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ: Tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt nhằm đặt ra một chủ đề xuyên suốt cho hoạt động của HĐBA trong năm 2020.
 
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng và tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, góp phần giúp nhân loại không phải gánh chịu một cuộc chiến tranh thế giới mới, đồng thời thúc đẩy đối thoại tìm giải pháp cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam luôn coi việc tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế là phương thức quan trọng hàng đầu nhằm vun đắp nền hòa bình bền vững, mang lại thịnh vượng cho nhân loại và xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế với quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng và hữu nghị giữa các quốc gia.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng HĐBA và các nước thành viên cần đi đầu trong việc tuân thủ và thực hiện Hiến chương, đồng thời đề nghị các nước thành viên LHQ tăng cường đối thoại, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy tối đa các công cụ Hiến chương đã đề ra, nhất là trong việc ngăn ngừa xung đột và hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; hợp tác nhằm tăng cường hiệu quả và vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt trong phối hợp với LHQ và HĐBA; bảo đảm việc hoạch định và triển khai các chiến lược, chính sách phát triển, an ninh, quốc phòng và đối ngoại phù hợp các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
 
Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, HĐBA cũng đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam chủ trì soạn thảo. Tuyên bố khẳng định giá trị vững bền của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.
 
Tái khẳng định cam kết của HĐBA đối với tôn chỉ, mục đích của Hiến chương, Tuyên bố nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan thuộc LHQ, các tổ chức khu vực… cần luôn hành động phù hợp với Hiến chương LHQ, đưa các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương thành định hướng trong các cơ chế hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách, bảo đảm xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, HĐBA thông qua một Tuyên bố riêng về Hiến chương LHQ.
 
Với sự kiện này, Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, hòa bình giải quyết tranh chấp… đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Các ưu tiên và đề xuất của Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
 
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, các chủ đề và đề xuất của Việt Nam đưa ra là rất phù hợp với tình hình quốc tế và đúng thời điểm. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi mới chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ.
 
Một điều rất đáng mừng và không ít ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất đã được các nước tham gia với một số lượng cao kỷ lục, không chỉ thành viên HĐBA, tại phiên thảo luận mở, các nước thành viên của LHQ đều có thể tham gia.
 
Tôi đã xem lại tất cả các cuộc họp của HĐBA LHQ, số lượng cũng chưa bao giờ đạt mức như tại cuộc họp mở của chúng ta với 110 nước tham gia. Các nước tham gia phát biểu rất tích cực. Điều này cũng cho thấy Việt Nam đã đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước, tạo được sự quan tâm của các nước đối với chủ đề của chúng ta”.
 
Tuân thủ Hiến chương LHQ, thúc đẩy hòa bình và hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình tại điểm nóng trên toàn thế giới sẽ là chủ đề xuyên suốt của năm 2020. Cộng đồng quốc tế đều nhận thấy rằng hơn bao giờ hết vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương LHQ ngày càng phải nâng cao. Việc Việt Nam nêu quan điểm:  các nước, đặc biệt là các nước Ủy viên của HĐBA, phải là những nước đi đầu tôn trọng Hiến chương LHQ chính là đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước thành viên.
.

PV (tổng hợp)

.