Thứ Bảy, 28/12/2019, 09:30 [GMT+7]

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Trong tuần qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề y tế, sức khỏe, trẻ em như: Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam; Kế hoạch quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chăm sóc 1.000 ngày đầu đời phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em
 
Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em, Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%, riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%, riêng ở vùng miền núi dưới 25,5%; đến năm 2030: tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%, riêng ở vùng miền núi dưới 23,5%.
 
Về nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ, đến năm 2025, Chương trình đặt mục tiêu 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách; đến năm 2030, các tỷ lệ này lần lượt là 85%; 30% và 80%.
 
Kế hoạch quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
 
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.
 
Mục tiêu phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố.
 
Phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại
 
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 với mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
 
Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các sai phạm.
 
Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự
 
Chính phủ ban hành Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
 
Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở cấp huyện, cấp tỉnh và ở trung ương.
 
Thay vì quy định thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương, Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi: Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở bộ, cơ quan ngang bộ (cấp bộ) và Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách phát triển thủy sản
 
tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình.
 
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng quy định.
 
Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi
 
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung là bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông.
 
Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên là 1.284,88 km2; trong đó, các quận nội thành chiếm diện tích 246,71km2, các huyện ngoại thành chiếm diện tích 1.038,17 km2 (trong đó huyện Hoàng Sa có diện tích 305 km2).
 
100% văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được ký số
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
 
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
 
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng, hoàn thành trước tháng 6 năm 2020.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu 100% văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được tích hợp chữ ký số và được xác thực theo quy định tại Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông; đầy đủ nội dung đính kèm; tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản; cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản điện tử theo quy định; gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền.
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.