Thứ Năm, 26/09/2019, 10:12 [GMT+7]

'Cuộc chiến' mới giữa Tổng thống Donald Trump và Hạ viện Mỹ

Ngày 24-9 (giờ địa phương), trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bất ngờ thông báo cơ quan lập pháp này chính thức mở cuộc điều tra luận tội ông, biến ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 4 đối mặt với quá trình luận tội.
 
Những động thái châm ngòi
 
Trong bài phát biểu chiều 24-9 giờ địa phương (tức rạng sáng 25-9 giờ Việt Nam) tại tòa nhà Quốc hội sau cuộc họp kín với các nghị sĩ Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nacy Pelosi cho biết, cơ quan này sẽ mở cuộc điều tra luận tội chính thức xoay quanh nghi vấn Tổng thống Trump lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ chính trị Joe Biden. 
 
Tuyên bố của bà Pelosi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa bị cáo buộc gây áp lực qua một cuộc gọi nhằm ép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông Biden, qua đó tạo lợi thế cho nhà lãnh đạo này trong cuộc đua tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nơi ông Biden được coi là ứng cử viên sáng giá nhất bên phía đảng Dân chủ. 
Những cáo buộc mà bà Nancy Pelosi đưa ra đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ ông chủ Nhà Trắng với cam kết sẽ đáp trả bằng bằng chứng cụ thể. Ảnh: Getty
Những cáo buộc mà bà Nancy Pelosi đưa ra đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ ông chủ Nhà Trắng với cam kết sẽ đáp trả bằng bằng chứng cụ thể. Ảnh: Getty
“Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không có ai đứng trên luật pháp. Hành động của Tổng thống Trump cho thấy, ông ấy đã phản bội lại lời tuyên thệ nhậm chức, phản bội lại an ninh quốc gia và sự thống nhất của cuộc bầu cử của chúng ta”, bà Pelosi khẳng định. 
 
Theo bà Pelosi, sẽ có 6 ủy ban Hạ viện Mỹ tham gia tiến trình điều tra các cáo buộc của Tổng thống Trump, trước khi trình kết quả lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện. 
 
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi không ấn định khung thời gian cho tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Trump, dù bà nói với các cộng sự rằng tiến trình này sẽ được hoàn tất “rất nhanh”. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Dân chủ cho biết, quá trình luận tội có thể kết thúc trước cuối năm nay.
 
Phản ứng của Tổng thống
 
Từ New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức chỉ trích động thái này trên Twitter cá nhân rằng: “Một ngày quan trọng như vậy tại LHQ với quá nhiều công việc và những thành công, nhưng Đảng Dân chủ đã hủy hoại và hạ thấp giá trị của những điều này bằng những tin tức và “cuộc săn phù thủy” rác rưởi. Thật tồi tệ cho đất nước chúng ta”. 
 
Trước đó hôm 22-9, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine về đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, ông Joe Biden và con trai, song bác bỏ cáo buộc gây sức ép buộc Ukraine điều tra ông Biden. 
 
Tổng thống Trump từng nêu rõ: “Cuộc đối thoại của tôi chủ yếu là chúc mừng, tiếp đó là bàn về tham nhũng và thực tế là chúng tôi không muốn những công dân Mỹ như cựu Phó Tổng thống Biden cùng con trai gây ra các vụ tham nhũng tại Ukraine”. 
 
Phát biểu trước báo giới hôm 24-9, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, Nhà Trắng sẽ cho công bố toàn văn các đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine Zelensky sớm nhất trong ngày 25-9 (giờ Mỹ). 
 
Trong khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grishams cũng chỉ trích tuyên bố của các nhà lập pháp Dân chủ tại Hạ viện, cho rằng hành động này “đã hủy hoại mọi cơ hội của tiến trình lập pháp tại Mỹ, với việc họ (phe Dân chủ) tập trung toàn bộ năng lượng vào các cuộc công kích mang tính đảng phái”.
 
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
 
Kết quả điều tra dự kiến sẽ được trình lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện để có thể soạn thảo và phê chuẩn dự thảo luận tội chống lại Tổng thống Trump. Dự thảo này sau đó sẽ được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu. Nếu dự thảo được thông qua ở Hạ viện với số phiếu trên 50%, Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức một phiên tòa luận tội. Khi đó, cần có 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ thì Quốc hội mới có thể kết án và bãi nhiệm Tổng thống. 
 
Theo Reuters, một cuộc điều tra luận tội có thể dẫn đến việc loại bỏ ông Trump khỏi văn phòng Tổng thống, nhưng đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với đảng Dân chủ. 
 
Nỗ lực buộc Tổng thống Trump phải rời Nhà Trắng trước thời hạn kết thúc nhiệm kỳ sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của toàn bộ Thượng nghị sĩ Dân chủ và khoảng 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đồng ý phản bội đảng. 
 
Đây là một rào cản rất lớn vì đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện và cũng không có nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa tán thành việc luận tội ông Trump.
 
Giới quan sát nhận định, tuyên bố mà bà Pelosi vừa đưa ra là một quyết định hiếm hoi của cơ quan lập pháp Mỹ nhằm tiến hành luận tội một tổng thống đương nhiệm. Mặc dù vậy, các đồng minh trong Quốc hội của ông Trump cho biết, bà Pelosi đang “chơi đòn chính trị” với quyết định này. 
 
Lãnh đạo Cộng hòa chiếm đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell gọi đây là sự vội vàng trong phán xét và nói rằng nó nên đợi cho đến khi chi tiết về cuộc gọi điện thoại được tiết lộ. 
 
Không thể phủ nhận rằng, động thái tuyên bố điều tra của bà Pelosi đã mở màn cho một cuộc chiến mới giữa Tổng thống Donald Trump và Hạ viện Mỹ và chắc chắn đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine sẽ là “nút thắt” được mong chờ nhất trong thời điểm hiện nay.
.

Nguồn: CAND

.