Tin tức sự kiện

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Pháp

09:14, 10/02/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lorthollary đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lorthollary. (Ảnh: Kiều Giang)
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lorthollary. (Ảnh: Kiều Giang)
Phóng viên (PV) : Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu hợp tác giữa hai nước thời gian qua?
 
Đại sứ Bertrand Lorthollary: Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp đã đi được chặng đường 45 năm và việc hai nước nâng tầm lên “đối tác chiến lược” cũng là thể hiện một bước trưởng thành trong quan hệ đó. Thành tựu hợp tác giữa hai nước được thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực.
 
Trước hết là những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua. Năm 2018 ghi dấu chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Các chuyến thăm đã tiếp tục khẳng định việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
 
Y tế là một lĩnh vực nổi bật và mang tính nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Pháp tham gia vào quá trình đào tạo cán bộ y tế cho Việt Nam từ rất sớm. Trong  thời gian qua đã có gần 3.000 bác sỹ Việt Nam được đào tạo tại Pháp trong các bệnh viện và trường đại học có chất lượng. Sự hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo còn được thể hiện qua việc huy động mỗi năm hơn 80 giảng viên người Pháp sang tham gia các khóa đào tạo sau đại học tại các trường y dược trên khắp Việt Nam. Năm ngoái, 1.500 bác sỹ đã được tham gia các khóa đào tạo như vậy.
 
Hợp tác giữa hai nước cũng rất mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh. Những hoạt động hợp tác giữa Viện Pasteur Paris với các Viện Pasteur của Việt Nam hay giữa ANRS (Cơ quan nghiên cứu quốc gia về AIDS và viêm gan virus) và các nhóm y tế của Việt Nam cũng rất năng động, góp phần cải thiện sức khỏe cho người dân trên khắp đất nước.
 
Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, chúng ta cũng đã đạt được nhiều bước tiến mới. Trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam liên tục gia tăng. Cụ thể, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đã tăng 7,9% trong năm 2017, còn nhập khẩu từ Việt Nam vào Pháp tăng 14,2%. Tổng giá trị giao thương giữa hai nước đã tăng 4 lần trong vòng 10 năm và hiện đạt mức 6,7 tỷ USD.
 
Pháp cũng tham gia vào nền kinh tế Việt Nam thông qua các khoản đầu tư - cả của Nhà nước và tư nhân. Về mặt lịch sử, Pháp là đối tác cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam và luôn tham gia vào các dự án lớn. Riêng năm 2017, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam lên tới 106 triệu USD. Các doanh nghiệp Pháp cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực và vẫn đang tiếp tục phát triển hoạt động của mình. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Pháp sang Việt Nam vào tháng 11 vừa qua, hơn 10 tỷ EUR (euro) hợp đồng đã được ký kết với hai hợp đồng chính liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng. Các doanh nghiệp khác của Pháp cũng tham gia ký kết như: Điện lực Pháp EDF, Air Liquid, Schneider Electric, Quadran International và Total.
 
PV: Hiện nay, Pháp có những dự án kinh tế nào tại Việt Nam? Trong tương lai, chiến lược đầu tư về kinh tế của Pháp vào Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?
 
Đại sứ Bertrand Lorthollary: Có rất nhiều dự án kinh tế của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam và điều này phản ánh sự đa dạng và phong phú trong hợp tác của chúng ta. Với gần 300 chi nhánh doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam và gần 550 triệu EUR đầu tư còn hiệu lực tính đến năm 2017, Pháp hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế (giao thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp thực phẩm, dược phẩm, chuỗi cửa hàng siêu thị, khách sạn và dịch vụ tài chính).
 
Trong số các dự án đang phát triển, Điện lực Pháp (EDF) sẽ tham dự một tổ hợp phụ trách dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1, với tổng đầu tư là 1,5 tỉ USD. Tập đoàn Vận tải biển CMA CGM coi Việt Nam là một trong những quốc gia trong chiến lược phát triển của mình, với việc đầu tư vào dự án Gemalink cảng nước sâu trị giá 340 triệu USD. Các doanh nghiệp Pháp tham gia vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam: Bouygues Energie & Services chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam với công suất 200 triệu W. Quadran International xây dựng một nhà máy điện mặt trời 50 triệu W. Chính phủ Pháp hỗ trợ các dự án ưu tiên về cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với các khoản tài chính lên tới 21,1 triệu EUR cho gói thầu hệ thống vé tuyến métro số 3 của Hà Nội, nghiên cứu tính khả thi để thiết lập một chợ bán buôn tại Hà Nội và dự án mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội.
 
Sự hiện diện của Pháp sẽ được tăng cường trong nhiều lĩnh vực mới : năng lượng tái tạo, công nghiệp 4.0, công nghệ số và cả trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp thực phẩm. Trong những lĩnh vực này, Việt Nam có nhiều cơ hội về đầu tư trong lĩnh vực sản xuất cũng như phân phối. Đặc biệt, các doanh nghiệp Pháp dự kiến góp phần vào việc hiện đại hóa các chợ bán buôn, với các khoản đầu tư nhiều trăm triệu EUR. Pháp sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành các cơ cấu cung ứng hiện đại. Gắn với các chính sách công hiệu quả, các cơ cấu này cho phép đảm bảo sự minh bạch và nguồn gốc xuất xứ các trao đổi, là những yếu tố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phân phối tối ưu giá trị trong cả chuỗi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Các bạn trẻ Việt Nam tham gia Triển lãm Du học Pháp 2018. (Ảnh: ĐSQ Pháp tại Việt Nam)
Các bạn trẻ Việt Nam tham gia Triển lãm Du học Pháp 2018. (Ảnh: ĐSQ Pháp tại Việt Nam)
PV: Một trong những ưu tiên của ông khi mới nhận nhiêm kỳ tại Việt Nam là đưa nước Pháp đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam. Chính phủ Pháp mới đây đã tăng học phí 16 lần đối với sinh viên quốc tế, vậy cơ hội nào cho sinh viên Việt dự định du học Pháp, thưa ông?
 
Đại sứ Bertrand Lorthollary: Pháp tạo rất nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam. Đã có hơn 7.000 sinh viên hiện học tập tại Pháp, khiến Pháp là quốc gia hàng đầu châu Âu về điểm đến du học của sinh viên Việt Nam. Học tập tại Pháp rẻ hơn tại rất nhiều quốc gia châu Âu hoặc tại Mỹ, nhưng không vì thế mà chất lượng học tập ở Pháp kém hơn, mà trái lại! Quả thật, chất lượng giáo dục đại học của Pháp đứng hàng thứ tư trên thế giới và được công nhận rộng khắp. Chúng ta chỉ cần nhìn vào con số giải thưởng Nobel hoặc giải thưởng Fields mà người Pháp và người nước ngoài đã học tập tại Pháp có được, như nhà toán học Ngô Bảo Châu.
 
Trên thực tế, chi phí cho một sinh viên tại Pháp dao động khoảng từ 10.000 đến 15.000 EUR mỗi năm. Đây là chi phí cho một chương trình giảng dạy rất chất lượng. Cho tới nay, sinh viên nước ngoài tại các trường công lập chỉ phải trả mức phí ghi danh rất nhỏ, từ 250 đến 300 EUR một năm. Nếu như các biện pháp do chính phủ tuyên bố được khẳng định, sinh viên từ nay sẽ phải trả 2.770 EUR khi ghi danh chương trình cử nhân và 3.770 EUR đối với chương trình thạc sĩ. Như vậy có nghĩa là Pháp sẽ tiếp tục tài trợ phần còn lại. Điều này cho thấy rằng học đại học tại Pháp sẽ vẫn ở nhóm chi phí dễ dàng tiếp cận nhất thế giới, nhưng lại với mức độ chất lượng thuộc loại tốt nhất thế giới. Các gia đình Việt Nam có thể so sánh với giá thành học tập tại các nước khác.
 
Sau cùng, Pháp luôn mong muốn, và hơn bao giờ hết, thu hút các tài năng tốt nhất. Điều này có nghĩa rằng đối với các sinh viên không có phương tiện chi trả học phí ghi danh mới này, Chính phủ Pháp và các trường đại học dự kiến tăng gấp 3 số lượng học bổng, từ 7.000 lên tới 21.000. Sinh viên Việt Nam như vậy cũng sẽ được hưởng chính sách gia tăng học bổng này. Năm 2018, có 400 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng toàn phần hoặc được đồng tài trợ để học tập tại Pháp. Ngoài học bổng của chính phủ, cũng có cả rất nhiều học bổng khác mà sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận được, như học bổng của Quỹ Ondon Vallet, hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. Thông tin về các loại học bổng đa dạng này có thể được tham khảo trên địa chỉ Internet của Cơ quan hỗ trợ du học Pháp Campus France.
 
PV: Kể từ khi hai bên ký Thoả thuận về hợp tác quốc phòng Việt-Pháp năm 2009 đến nay, quan hệ quốc phòng song phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả đó được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông? Trong năm qua, lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai nước có những hoạt động gì nổi bật?
 
Đại sứ Bertrand Lorthollary: Quan hệ quốc phòng Pháp – Việt đã bắt đầu từ rất lâu. Trước năm 2009, Pháp đã là quốc gia phương Tây đầu tiên, ngay từ năm 1991, mở văn phòng tùy viên hợp tác về quốc phòng tại Việt Nam, và kể từ năm 1993, đã có gần 300 sĩ quan Việt Nam có thể học tập hoặc theo một chương trình đào tạo tại Pháp.
 
Với việc ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc phòng năm 2009, hai nước chúng ta đã chính thức hóa tầm quan trọng của hợp tác về quốc phòng mà hai nước mong muốn phát triển trong quan hệ song phương của chúng ta. Bốn năm sau đó, năm 2013, sự hợp tác này đã được thúc đẩy mạnh mẽ khi Pháp và Việt Nam nâng tầm quan hệ lên cấp Đối tác chiến lược.
 
Hợp tác quốc phòng của chúng ta hiện nay rất phong phú và diễn ra trên nhiều lĩnh vực như đào tạo, hợp tác tác chiến, trang thiết bị, lĩnh vực hàng hải hay các hoạt động gìn giữ hòa bình. Nếu như phải lựa chọn một thành tựu nổi bật, tôi muốn đề cập tới mức độ lòng tin chiến lược đặc biệt hiện có giữa hai nước. Chúng ta có những mối quan tâm tương đồng, chúng ta cùng bảo vệ một quan điểm chung về thế giới, trên cơ sở chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, đối với Pháp, Việt Nam là đối tác đương nhiên tại Đông Nam Á, khu vực tạo lập an ninh tập thể, khu vực mà chúng tôi mong muốn sẽ hiện diện nhiều hơn nữa. Nhận xét này đã được các nhà lãnh đạo cao nhất của chúng ta chia sẻ vào năm ngoái, trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe.
 
Năm 2018 là một năm lịch sử, vì lần đầu tiên trong quan hệ song phương của chúng ta, những chuyến thăm chéo giữa hai nước ở cấp cao nhất được thực hiện trong cùng một năm, trong đó hợp tác về quốc phòng có vị trí trung tâm. Tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đến thăm Pháp theo lời mời của bà Florence Parly, Bộ trưởng Quân đội Pháp. Việc tổ chức đối thoại chiến lược “2 + 2”  giữa hai nước, là dịp để ký bản sửa đổi Thỏa thuận kỹ thuật năm 2009 và Tuyên bố về tầm nhìn chung giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng giai đoạn 2018-2028. Hai thỏa thuận này trong lĩnh vực quốc phòng bổ sung cho thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thủy đạc, hải dương học và bản đồ biển được ký nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3/2018.
 
PV:. Trong thời gian qua, Pháp đã có những hỗ trợ đối với Việt Nam như thế nào trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc? Ông có thể đưa ra một vài đánh giá từ phía Pháp về việc Việt Nam cử sỹ quan và triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 tại một số nước châu Phi?
 
Đại sứ Bertrand Lorthollary: Pháp - thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chào đón rất tích cực quyết tâm của Việt Nam đóng góp mạnh mẽ hơn nữa  vào ổn định và an ninh quốc tế, nhất là trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.
 
Sự giúp đỡ của Pháp tại Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình nằm trong khuôn khổ tổng thể quan hệ của chúng ta về quốc phòng và có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển các năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Tôi xin đặc biệt hoan nghênh Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam được triển khai tại Nam Sudan, minh chứng cho một vị thế mới của Việt Nam hiện nay liên quan tới các hoạt động gìn giữ hòa bình.
 
Pháp sẵn sàng ủng hộ để hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trên con đường này. Việc trao đổi kiến thức và đào tạo là những nội dung quan trọng của hợp tác Pháp - Việt từ nhiều năm nay, nhất là trong lĩnh vực quân y và giảng dạy tiếng Pháp. Nhiều chuyến công tác của chuyên gia trong các lĩnh vực này cũng như trong lĩnh vực rà phá bom mìn đã được triển khai vào năm 2018 tại Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam để chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Nhiều thách thức quốc tế quan trọng hàng đầu hiện đang và sẽ đặt ra tại khu vực này. Những nhu cầu ở đó là hết sức to lớn và do vậy cam kết của Việt Nam đặc biệt được hoan nghênh. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều nhất có thể cho những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại châu Phi.
 
PV: Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019, Đại sứ có thông điệp gì muốn gửi đến người dân Việt Nam?
 
Đại sứ Bertrand Lorthollary: Tôi xin cám ơn quý Báo, nhân dịp này tôi xin chúc toàn thể độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một năm mới Kỷ Hợi 2019 tốt đẹp. Chúc quý vị và những người thân thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
 
Tình hữu nghị Pháp - Việt muôn năm!
 
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ! Kính chúc Đại sứ cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và mọi điều tốt lành!

Nguồn: Kiều Giang (thực hiện)/Dangcongsan.vn

Các tin khác