Tin tức sự kiện

Câu trả lời rõ ràng nhất cho những luận điệu lạc lõng

08:47, 12/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Năm 2018, tình hình thế giới diễn biến phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; kinh tế toàn cầu nói chung phục hồi nhưng chưa ổn định; chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng. Trong điều kiện đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế nước ta đã có được những kết quả hết sức tích cực. 
 
Thực tế đó là những minh chứng sinh động và là câu trả lời rõ ràng nhất phản bác lại một số luận điệu xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
 
Gia tăng chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tập trung vào nhiều lĩnh vực. Trên mặt trật tư tưởng chính trị, chúng tung ra những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo tình hình, nhằm kích động, “diễn biến”, “chuyển hoá” từ bên trong.
 
Một trong các mũi nhọn tấn công vào quan điểm, đường lối của Đảng được chúng “khoét sâu” là đường lối phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã đưa tập ra những luận điệu xuyên tạc, sai trái chủ yếu vào một số vấn đề sau đây:
 
Một là, các ý kiến xuyên tạc cho rằng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm mơ hồ, đã lựa chọn kinh tế thị trường thì không có định hướng XHCN”. Rõ ràng rằng nếu coi kinh tế Việt Nam 2018 là một bức tranh thì đó là bức tranh nhiều màu sắc với những gam màu sáng, ấm áp, vui tươi làm chủ đạo. Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm từ sau đại hội XII, 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%).
 
Cùng với kết quả này, tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng 17%. Tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Với những chỉ số tăng trưởng cao, được thống kê đầy đủ, cụ thể như vậy sao lại cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là “mơ hồ?”.
 
Ngược lại đây phải chăng là sự nhận thức “mơ hồ” về nền kinh tế nước ta? Nếu không phải, rõ ràng là sự vu cáo vô căn cứ, không có cơ sở, cố tình diễn biến, phá hoại tình hình Việt Nam.
 
Hai là, các ý kiến này cho rằng "đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là không tưởng, đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào, nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”.
 
Thật hết sức nực cười, trái ngược với lời suy diễn thiếu căn cứ đó, không ai có thể phủ nhận rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển hình ảnh đất nước thanh bình, cuộc sống của nhân dân đã từng ngày được “thay da, đổi thịt”.
 
Nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực được cho là yếu thế, khó khăn đã được triển khai mang lại kết quả rõ rệt. Cho đến nay, các xã, cụm dân cư đã có đủ cơ sở xã hội thiết yếu, như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế. Tăng trưởng khu vực nông nghiệp 2018 tháng đạt 3,65%, cao nhất kể từ năm 2012. Xuất khẩu nông sản đạt trên 40,5 tỷ USD.
 
Xây dựng nông thôn mới đạt ít nhất 40% số xã, 55 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn, hoàn thành và vượt mức mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo trước. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2-5,7%, giảm 1-1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%).
 
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới. Kết quả đó đã thể hiện tính đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực trong quản lý của Nhà nước về mục tiêu KTTT định hướng XHCN là phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội (đói nghèo, việc làm, thu nhập, phân hoá giàu - nghèo, công bằng xã hội), đảm bảo môi trường sinh thái… thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội XHCN.
 
Do vậy, luận điệu cho rằng KTTT định hướng XHCN là “không tưởng”, “bị trả giá…” thực chất là phản động, muốn hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường TBCN.
 
Ba là, các đối tượng này cho rằng “kinh tế thị trường định hướng XHCN là chắp vá, xuất khẩu thô, kinh tế lạc hậu, chậm phát triển và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài”. Trên thực tế có thể thấy rằng, năm 2018, trong điều kiện co kéo giữa xu hướng “tự do hóa thương mại” và “chủ nghĩa bảo hộ thương mại mới” giữa các cường quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm của nước ta đã ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7% (9 tháng đạt trên 352 tỷ USD); trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (vượt chỉ tiêu 3-4%, mục tiêu 7 - 8%); tiếp tục xuất siêu 6-7 tỷ USD.
 
Nỗ lực này cho thấy tỷ trọng hàng chế biến, nông sản tăng lên trong xuất khẩu và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Với chỉ số kinh tế như vậy là minh chứng sinh động về vị thế đất nước trên trường quốc tế, Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, được nhiều quốc gia, tập đoàn kinh tế, đối tác thương mại tin cậy, hợp tác.
 
Đồng thời, thể hiện tính chủ động, độc lập, tự chủ của Việt Nam trong phát triển kinh tế đối ngoại. Luận điệu cho rằng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “chắp vá”, “lạc hậu, xuất khẩu thô”, “phụ thuộc” là sự xuyên tạc thâm độc, vu cáo vô căn cứ với chủ đích phá hoại, tạo sự hoài nghị, hòng gây mất niềm tin của nhân dân Đảng, Nhà nước, diễn biến tình hình, hình ảnh Việt Nam trong nhận thức của bè bạn quốc tế.
 
Có thể khẳng định rằng, năm 2018 sắp khép lại, thực tiễn và những chỉ số kinh tế sinh động nói trên là nỗ lực vượt bậc, rất đáng tự hào. Song kết quả trên còn cao hơn, có ý nghĩa hơn nếu như không có một số sự việc đáng tiếc xảy ra như một số người dân bị kích động, tập trung gây rối tại miền Trung gây hoang mang, mất đoàn kết nội bộ, sản xuất của nhiều doanh nghiệp, người dân bị đình đốn, cơ quan chức năng phải vất vả xử lý hậu quả…, hay các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh chống phá, xuyên tạc, vu cáo, làm cho tình hình, hình ảnh Việt Nam méo mó, gây hiểu nhầm, tâm lý hoài nghi trong mắt các nhà đầu tư, bè bạn quốc tế.
 
Quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo là tăng cường kỷ luật kỷ cương của Đảng, xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ trong chỉ đạo của chính phủ, năm khởi nghiệp, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực của nhân dân; cùng với đó là tình hình chính trị ổn định, an ninh quốc gia, TTATXH được giữ vững, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là những nguyên nhân chính mang tính căn cốt để kinh tế Việt Nam 2018 có được những chỉ số tăng trưởng cao, tích cực.
 
Đây là minh chứng, câu trả lời rõ nhất phản bác các luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong thời gian qua.

Nguồn: Lê Thế Cương/CAND

Các tin khác