Tin tức sự kiện

Kiên định con đường đi

08:40, 12/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
“Tổng kết để kiên định con đường đi” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 5-12-2018. 
 
Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội XIII sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước, đặc biệt là Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm sự thành công của Đại hội.
 
Chúng ta mới đi hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tuy nhiên công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII (dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021) cũng đã được “khởi động”. Cùng với quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ tới, việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII là nhiệm vụ trọng tâm. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII phát biểu kết luận tại cuộc họp của Tiểu ban.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII phát biểu kết luận tại cuộc họp của Tiểu ban.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) để có một căn cứ khoa học, một độ dài nhất định để đánh giá và có tầm nhìn cho giai đoạn tiếp theo. 
 
Điều này khẳng định tính đúng đắn của công cuộc đổi mới, của Cương lĩnh năm 1991, đường lối của Đảng, đồng thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái với Cương lĩnh, tạo sự thống nhất trong Đảng.
 
Khi Đảng ta tiến hành những công việc quan trọng, các thế lực xấu lại tìm cách “tung hỏa mù”, tạo ra những luồng tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch hòng gây phân tâm, làm nhiễu dư luận.
 
Chẳng hạn, vừa qua, các thế lực thù địch, phản động tán phát “Thư ngỏ” của Nguyễn Khắc Mai gửi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Với việc Đảng ta chuẩn bị tổng kết, xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII và tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (sửa đổi, bổ sung năm 2011), chúng cho rằng, cần xóa bỏ hiến pháp hiện hành để xác định lại “con đường đi” cho dân tộc. 
 
Nội dung bức thư xuyên tạc, bịa đặt, nói rằng: “Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam tôn trọng đa nguyên, mời gọi các chính đảng cùng tham gia. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ Hiến pháp năm 1946 và khởi thảo Hiến pháp mới rất đậm dấu ấn mô hình Xôviết và tư tưởng Diên An. Đến cuối đời, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã từ bỏ lập trường chủ nghĩa cộng sản vì hai ông đã phát hiện chủ nghĩa cộng sản là một sai lầm của thời trẻ...”. 
 
Trong “Thư ngỏ” cũng đồng thời đưa ra yêu sách “trên trời” mang tư tưởng chống đối, phản động, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải thực hiện lại Hiến pháp năm 1946 và chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hủy bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải đặc xá, trả tự do cho tất cả “tù nhân lương tâm” nhân dịp tết Kỷ Hợi...
 
Rõ ràng, bản chất của những nội dung đòi hỏi phi lý trong “Thư ngỏ” là lợi dụng những sự kiện chính trị - xã hội nhạy cảm diễn ra trong thời gian qua để xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 
 
Cũng như việc chuẩn bị các kỳ đại hội trước đây, tiến trình đổi mới là đánh giá, tổng kết để đúc rút kinh nghiệm, chỉnh sửa những vấn đề khiếm khuyết, những hạn chế để hoạch định đường lối, chính sách phù hợp. Còn con đường đi lên của dân tộc đã được lịch sử lựa chọn từ năm 1930, được xác định rõ bằng các đặc trưng trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011. 
 
Tổng kết để kiên định con đường đi. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà cứ nói “đổi mới, đổi mới một cách ào ào” sẽ “nhảy sang” chủ nghĩa xét lại, vô nguyên tắc, chệch hướng. 
 
Cho nên, kiên định nhưng phải sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, phải xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và đổi mới, sáng tạo. Nhấn mạnh hơn 30 năm qua Đảng ta đã xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo, cụ thể là kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đây là bài học lớn rất thành công của cách mạng Việt Nam, là sự vững vàng của Đảng ta.
 
Trong sự nghiệp phát triển, kẻ địch thường bới móc những vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực để miệt thị, đổ vấy “cho chế độ cộng sản”. 
 
Trong khi đó, sự phát triển, sự tiến bộ là khuynh hướng chung, là dòng chảy chủ đạo với những con số, dữ liệu thể hiện trong thực tiễn đời sống xã hội thì chúng cố tình lảng tránh, bỏ qua. Đây là tư duy, cách nhìn phiến diện kiểu “bới lông tìm vết”. Chúng ta có thể chưa hài lòng với thu nhập, với mức sống hiện tại nhưng khi nhìn nhận dòng chảy với sự phát triển vượt bậc trong 3 thập kỷ qua bằng những ví dụ, minh chứng giản dị nhất trong đời sống gia đình mỗi người sẽ thấy rõ điều đó. 
Quan điểm đổi mới phải được nhìn nhận toàn diện chứ không phải vin vào hiện tượng tiêu cực để chỉ trích, đả kích chế độ.
Quan điểm đổi mới phải được nhìn nhận toàn diện chứ không phải vin vào hiện tượng tiêu cực để chỉ trích, đả kích chế độ.
Bà Trần Thị Hải Nhi, một cán bộ hưu trí Hà Nội từng đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia tặng lại kỷ vật là chiếc phích đá của gia đình để trưng bày tại chuyên đề “Đổi mới - hành trình của ước mơ”. 
 
Chia sẻ ký ức về những năm tháng sống trong thời kỳ đất nước còn bao cấp, bà Nhi kể rằng, năm 1984, chồng bà sang Liên Xô công tác gửi về chiếc phích đá và dặn rằng, nếu khó khăn quá thì bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. 
 
Thời đó, chiếc phích đá là một tài sản có giá trị, bán đi cũng mua sắm được rất nhiều thứ khác. Nhưng bà vẫn giữ gìn, thường dùng phích đá đựng cơm mang đi làm buổi sáng, chiều về lại dùng mua ít kem Tràng Tiền cho các con. 
 
“Nay, nhìn từ chiếc phích đá mà so với đời sống vật chất hiện tại, quả một trời một vực, cho thấy sự phát triển lớn lao của đất nước và trong mỗi gia đình”. 
 
Một câu chuyện khác cũng được ghi tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chị Nguyễn Thị Vân nhớ mãi về chiếc xe máy DD được chồng chị gửi từ Liên Xô về Việt Nam vào năm 1989, được gia đình chị tặng, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 
 
Ngày đó, chồng chị đi học Liên Xô đã tích cóp được tiền mua gửi về cho gia đình chiếc xe máy DD. Khi mới gửi chiếc xe này về, người hàng xóm cạnh nhà đã sang thương lượng đổi mảnh đất 60m² tại phố Đào Tấn hiện nay để lấy chiếc xe. Chị Vân không đổi mà giữ lại để cho bố dùng đi lại làm việc ở Viện Địa chất. Nay, chị tặng Bảo tàng chiếc xe như một sự nhắc nhở với con cháu về sự phát triển của đất nước, chúng ta đã đi qua thời kham khó, cực nhọc để phát triển như hôm nay, đòi hỏi mỗi người phải ý thức được giá trị cuộc sống, thấy được dòng chảy chính, sự tiến bộ để nỗ lực vươn lên. 
 
Nhiều gia đình cũng lưu giữ những bộ tem mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp để dặn lòng mình phải biết tiết kiệm, quý trọng của cải, đồng tiền, thấy được ý nghĩa lớn lao của công cuộc đổi mới đất nước, giúp xã hội thoát khỏi cảnh bần hàn, vững bước đi lên...
 
Tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thành quả quan trọng nhất của 30 năm đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 
 
Đến hết năm 2017, quy mô dân số Việt Nam đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 34; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm. 
 
Báo cáo đã đưa ra khát vọng của Việt Nam đến năm 2035, đó là: Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành. 
 
Khát vọng này được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên 3 trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
 
Đương nhiên, thách thức, áp lực là rất lớn nhưng không thể áp đặt bằng cách nhìn bi quan từ những mảng màu sẫm trong đời sống rồi nguyền rủa, chửi bới, đổ lỗi chế độ. 
 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người, chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách để tiếp tục phát triển, đi lên.

Nguồn: An Nhi/CAND

Các tin khác