Hạ tuần tháng 7, các quan chức hàng đầu của Mỹ và Australia đã tái khẳng định cam kết của mình đối với tự do hàng hải, các chuyến bay quá cảnh, các hoạt động khác ở Biển Đông và cam kết sẽ có hành động cứng rắn đáp trả lại việc mở rộng hoạt động quân sự một cách trái phép của Trung Quốc tại vùng biển này.
Hợp tác của Mỹ-Australia:
Cam kết này được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Mỹ-Australia diễn ra tại bang California của Mỹ hôm 24-7 (theo giờ Mỹ).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nhấn mạnh rằng việc quân sự hóa vùng biển tranh chấp này đi ngược lại mục tiêu phát triển hòa bình của khu vực.
"Cả hai bên đã ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, và các quy định trong Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) để củng cố cam kết của các bên chấm dứt các hành động làm phức tạp tình hình và không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên hoặc quyền lợi của các nhà nước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", tuyên bố có đoạn viết.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói rằng cả hai nước đều tìm được tiếng nói chung về những vấn đề liên quan đến khu vực, đặc biệt là về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn lưu ý rằng Biển Đông trước chưa hề bị quân sự hóa cho đến khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để làm việc này. Ông Jim Mattis nhấn mạnh, Mỹ muốn thấy Australia tiến hành các hoạt động điều hướng ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Và chúng tôi phối hợp, cộng tác trên khắp các lĩnh vực về các bài tập quân sự hoặc những vấn đề khác có liên quan".
Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì tiết lộ: "Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian trong hai ngày hội nghị vừa qua để thảo luận về cách duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở. Mối đe dọa đó phát sinh từ nhiều nơi và hành động đơn phương của Trung Quốc là mối lo hàng đầu".
Ông Mike Pompeo cũng khẳng định, mặc dù vấp phải những phản đối của Trung Quốc song Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện cam kết của mình đối với khu vực.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Courtney cho biết, sau hội nghị lần này, Mỹ hy vọng Australia sẽ tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.
"Điều quan trọng là cần gửi tới Trung Quốc thông điệp về sự quyết tâm của các đồng minh như Mỹ và Australia nhằm đối phó với các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông", Thượng nghị sĩ Mỹ nói.
Tuy nhiên, hiện Australia vẫn chưa chấp nhận giải pháp này mà chỉ khẳng định "vẫn giữ nhịp độ di chuyển thông thường đi qua các vùng biển quốc tế trên Biển Đông”.
Phát biểu tại cuộc tham vấn ngoại giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) 2018 diễn ra tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã bày tỏ ủng hộ vai trò của Canberra trong việc đảm bảo hoạt động tự do tại các tuyến hàng hải của Biển Đông.
Bà khẳng định cam kết của Australia trong việc duy trì là "một đối tác rất mạnh" trong khu vực, kiên định theo đuổi lập trường về tự do hàng hải và giám sát.
Hãng CNN thì dẫn lời của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho hay, Australia đã chi hàng tỉ USD để mua 6 chiếc MQ-4C Tritons, loại máy bay không người lái của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman nhằm tăng cường hoạt động giám sát tại các khu vực bao gồm cả Biển Đông nơi đang có tranh chấp.
Tờ The Guardian của Anh ngày 21-7 đưa tin Australia và Anh đang thảo luận về kế hoạch đưa tàu sân bay của Anh HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hành động của cộng đồng quốc tế
Trên thực tế, hoạt động bồi lắp trái phép các bãi đá tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc tiến hành được bắt đầu từ năm 2014. Sau đó Bắc Kinh xây dựng và đưa vũ khí, quân trang, quân dụng đến đây.
Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã lên án hoạt động này của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh tỏ rõ ý đồ thống lĩnh tuyến đường biển quan trọng qua Biển Đông.
Thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ... đã bày tỏ quyết tâm bằng mọi giá đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc về độc chiếm Biển Đông.
Mỹ thường xuyên điều các tàu chiến đi lại ở khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Australia cũng thường xuyên đưa các tàu và máy bay tới gần khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể gây tranh cãi trên Biển Đông, song chưa bao giờ thực sự đi vào vùng nước này.
Tờ The Australia còn nhận định, quan hệ Australia - Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng hơn sau khi Australia thông qua luật kiểm soát sự can thiệp của nước ngoài và việc chính phủ của Thủ tướng Malcom Turnbull tuyên bố ủng hộ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông.
Còn Nhật Bản thì tuyên bố sẽ viện trợ 2.5 tỉ yen (23 triệu USD) cho Indonesia để phát triển nghề cá tại 6 hòn đảo hẻo lánh trong đó có Natuna vốn bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu.
Riêng Pháp thì theo hãng Le Monde, trong thời gian gần đây, nước này đã nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng việc điều tàu chiến tuần tra Biển Đông và lên kế hoạch tập trận không quân để phản đối các hoạt động quân sự hóa khu vực này của Trung Quốc.
Trong chuyến công du tới Australia hồi tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn nhấn mạnh mục tiêu phải bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước "tham vọng bá chủ" chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Macron khẳng định Pháp không muốn đối đầu với Trung Quốc, nhưng để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hùng mạnh thì các quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng.
Huyền Chi
.