Tin tức sự kiện
Thế giới tuần qua: Nơi 'ấm áp', nơi 'giá lạnh'
15:49, 31/03/2018 (GMT+7)
Trong khi Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí gặp thượng đỉnh vào ngày 27/4 là diễn biến mới nhất cho thấy quan hệ liên Triều tiến triển theo hướng ngày càng tích cực thì dư luận quốc tế lại lo ngại về “cuộc khủng hoảng ngoại giao” xảy ra giữa Nga và các nước phương Tây.
Triều Tiên, Hàn Quốc ‘chốt lịch” cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều
Quan chức ngoại giao Triều Tiên và Hàn Quốc tại cuộc gặp cấp cao ngày 29/3 ở Bàn Môn Điếm |
Trong những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ kế từ đầu năm 2018, ngày 29/3, tại cuộc gặp cấp cao liên Triều được tổ chức ở Tongilgak (Lầu gác Thống nhất, tại Bàn Môn Điếm), Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới, theo truyền thông Hàn Quốc.
Đoàn đại biểu Triều Tiên do Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Ri Son-kwon dẫn đầu, còn phía Hàn Quốc do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun làm Trưởng đoàn đã thống nhất tổ chức cuộc hội đàm cấp chuyên viên vào ngày 4/4. Cuộc họp này nhằm thảo luận về vấn đề lễ tân, an ninh và những vấn đề liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Như vậy, kể từ lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau lần thứ nhất vào tháng 6/2000 và lần thứ 2 vào tháng 10/2007, cuộc gặp ngày 27/4 tới là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 sau 11 năm, theo đài KBS.
Trong một diễn biến liên quan trước đó, tại cuộc họp giữa các quan chức Chính phủ và chuyên gia dân sự của 3 nước Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ diễn ra ở thủ đô Helsinki, Phần Lan (20-21/3), các bên đã thảo luận sâu rộng về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như về hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều.
Truyền thông Hàn Quốc cho hay ở cuộc gặp “tay ba” này, Giáo sư Kim Joon-hyung (Đại học Handong, thành viên phái đoàn Hàn Quốc) cho biết các bên đều đồng tình về tính cần thiết của việc giảm nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tổ chức thành công 2 hội nghị thượng đỉnh nói trên.
Cuộc họp kết thúc với việc các bên thông qua Chính phủ Phần Lan cho công bố nội dung cuộc họp và nhận định “các bên đã tiến hành trao đổi ý kiến một cách xây dựng trong bầu không khí hết sức tích cực”.
Hòa chung với không khí tích cực này, tiếp nối tinh thần “ngoại giao thể thao” sau Olympic và Paralympic PeyongChang 2018, một đoàn công tác Hàn Quốc với 70 người đã đến Bình Nhưỡng vào ngày 29/3 để xúc tiến công tác chuẩn bị cho các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn ở Nhà hát Lớn Đông Bình Nhưỡng vào ngày 1 và 2/4.
Như vậy có thể nói, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc rất có thể đạt được cải thiện đột phá sau cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27/4.
Một kết quả thăm dò dư luận do Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc thực hiện với 1.000 người dân nước này về hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều sắp tới cho thấy 85,5% người đánh giá tích cực về việc hai miền Nam-Bắc đạt được nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh; số người đánh giá tiêu cực chỉ 8,8%.
Cũng trong tuần qua, một sự kiện ngoại giao khác nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận: Chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (từ 25-28/3) theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2011.
TTXVN dẫn thông tin từ Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết tại cuộc hội đàm giữa 2 bên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu ý rằng Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ủng hộ việc cải thiện quan hệ liên Triều và tiến hành những nỗ lực cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hòa đàm. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này, đồng thời cùng với tất cả các bên, bao gồm cả Triều Tiên, Trung Quốc hành động hướng tới xoa dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ thể hiện thiện chí với những nỗ lực của Triều Tiên, tạo bầu không khí hòa bình và ổn định, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm kiến tạo nền hòa bình.
Cũng trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tái khẳng định sẵn sàng đối thoại và tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ.
Ngay lập tức, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc-Triều Tiên và “coi đây là một diễn biến quan trọng sẽ giúp phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Nguy cơ tái diễn “chiến tranh lạnh”
Đó là hậu quả của cuộc “khủng hoảng ngoại giao” diễn biến ngày càng phức tạp giữa Nga và các nước phương Tây.
Nguồn cơn của sự việc này là vụ cựu nhân viên tình báo hai mang Nga Sergey Skripal và con gái bị đầu độc vào ngày 4/3 thành phố Salisbury (Anh). Phía Anh khẳng định rằng Nhà nước Nga tham gia vụ "đầu độc" này còn phía Nga, kể từ đó đến nay, kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
“Vụ Skripal” đã khiến quan hệ ngoại giao, khởi đầu là giữa Anh và Nga rồi sau đó là giữa nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ với Nga.
Sau khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, “đổi lại”, Nga cũng trục xuất số lượng tương ứng các nhà ngoại giao của Anh. Tiếp đó, nhiều nước thuộc EU, Mỹ, Canada, Ba Lan… cũng trục xuất nhiều nhà ngoại giao của Nga. Phía Nga cũng có hành động đáp trả tương tự...
Về những diễn biến này, ngày 29/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ những căng thẳng kiểu chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga trở lại sau khi một số nước phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 30/3 cho biết Trung Quốc mong muốn Nga và Mỹ, hai nước là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, giải quyết những bất đồng hiện tại thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau./.
Nguồn: Thanh Phương/Chinhphu.vn