Tin tức sự kiện

Các nước 'tuyên chiến' với tin giả

08:18, 23/03/2018 (GMT+7)
Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ và các trang mạng xã hội, tin giả đang là vấn nạn trong thế giới hiện đại.
 
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái về tình trạng thông tin giả do BBC World Service thực hiện cho thấy người dùng mạng trên thế giới ngày càng lo ngại về thông tin giả mạo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong bản nghiên cứu được thực hiện trên 18 quốc gia, 79% số người tham gia nói rằng họ lo ngại do không thể phân biệt thông tin thật, giả trên Internet.
 
Một nghiên cứu tương tự cũng từng được BBC thực hiện trong năm 2010. Vào thời điểm bấy giờ, chỉ có 15 quốc gia được lựa chọn để khảo sát ý kiến người dân. Kết quả là, 51% người được hỏi cho rằng chính quyền không nên kiểm duyệt thông tin trên Internet, trong khi con số trong nghiên cứu mới nhất là 59%.
 
Nghiên cứu này đã thực hiện trên 16.000 người lớn và được phối hợp thực hiện với hãng Globescan trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2017.
 
Chủ tịch của hãng Globescan, ông Doug Miller, nói rằng: Các con số thống kê này cho thấy rằng kỷ nguyên của "thông tin giả mạo" có thể làm giảm sự đáng tin của thông tin trực tuyến.
 
Các nước làm gì để chặn tin giả
 
Cuộc chiến chống tin thất thiệt bước sang giai đoạn mới khi ngày càng có nhiều chính phủ các nước ban hành luật nhằm xử phạt người tung tin giả và cả các trang mạng cho phép đăng tải loại thông tin đó.
 
Mới đây, hôm 14/3, Quốc hội Singapore đã bắt đầu phiên họp kéo dài 3 ngày để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường các giải pháp đối phó với vấn nạn thông tin giả trên Internet.  
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Singapore Charles Chong, thông tin giả trên mạng Internet đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính chất toàn cầu. Tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Singapore, đều buộc phải tìm kiếm giải pháp để tăng cường ứng phó vấn đề này.
 
Ông Charles Chong cũng nhấn mạnh vấn nạn thông tin giả trên mạng đang diễn biến rất phức tạp, đồng thời tác động và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nước dưới nhiều phương thức khác nhau.
 
Phiên trưng cầu ý kiến đã nhận được 164 bài phản hồi từ người dân, một tỷ lệ phản hồi cao kỷ lục tại Singapore. Nhiều diễn giả đã đề cập tới các giải pháp, từ khóa Internet cho tới cân bằng giữa lợi ích an ninh quốc gia và tự do ngôn luận.
 
Đầu năm nay, Indonesia đã đưa vào hoạt động cơ quan an ninh mạng mới nhằm đối phó với vấn đề tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan trên Internet và ngăn chặn tin tức giả trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong bối cảnh hàng triệu người của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này đang ngày càng lo ngại về những trò lừa đảo trên Internet.
 
Tại Philippines, việc truyền bá các thông tin giả mạo bị coi là phạm tội hình sự. Theo đạo luật được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký ngày 31/8 năm ngoái, hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD).     
 
Đạo luật bổ sung Bộ Luật hình sự sửa đổi trước đó cũng đã được Quốc hội Philippines thông qua, với nhiều quy định xử phạt nghiêm ngặt hơn. Theo nội dung đạo luật mới, bất kỳ tin đồn thất thiệt nào đe dọa tới trật tự công cộng hoặc gây phương hại lợi ích cũng như uy tín quốc gia đều sẽ bị xử phạt. Đối tượng vi phạm sẽ chịu án tù giam từ hơn 1 tháng cho tới 6 tháng, đồng thời phải nộp phạt từ 40.000 peso tới 200.000 peso.
 
Kết quả khảo sát do Cơ quan quản lý viễn thông quốc gia AgCom của Italy thực hiện năm 2017 đối với 14.000 người cho thấy 80% số người được hỏi có xem tin tức hàng ngày, trong đó 70% nắm tin tức qua xem ti vi, 42% trên mạng Internet, 25% nghe đài và 17% đọc báo hằng ngày.
 
Trong số những người Italy lên mạng Internet, ngày càng nhiều người tìm kiếm thông tin qua cái gọi là "nguồn algorithmic", ví dụ các công cụ tìm kiếm, blogs, các phương tiện truyền thông xã hội. Số người này đã tăng từ 62% hồi tháng 6/2015 lên 70% trong tháng 4/2017. 
 
AgCom đã phải cảnh báo rằng việc tìm kiếm tin tức từ "nguồn algorithmic" là rất nguy hiểm bởi nó dẫn tới những "dạng bệnh lý" như thái độ phân cực, từ đó gây nên ảo tưởng về tư tưởng và dẫn tới sự lan tràn tin giả, những phát ngôn mang tính hận thù... trên các trang mạng.
 
Mới đây, Pháp đã giới thiệu nội dung dự luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên mạng xã hội nhằm hạn chế tối đa tin tức giả mạo và những tin đồn thất thiệt. Nếu dự luật được thông qua, Pháp sẽ gia nhập câu lạc bộ các nước châu Âu chính thức "tuyên chiến" với những thông tin sai lệch trên Internet.
 
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc khó khăn là xác định thông tin sai lệch, nhất là làm sao có thể phân biệt được đâu là tin giả với các mục đích, thủ đoạn chính trị, đâu đơn thuần là thông tin theo kiểu tự do ngôn luận. Vì thế, các chế tài trong trường hợp này rất nhạy cảm, bởi ranh giới giữa hai loại thông tin trên, nói cách khác là giữa bảo vệ sự thật và vi phạm tự do báo chí, là hết sức mong manh.
 
Khi được hỏi về luật chống lại tin tức giả mạo sẽ được Tổng thống Emmanuel Macron ban hành trong nay mai, 71% trong số 1.008 người Pháp từ 18 tuổi trở lên được hỏi tin rằng tốt hơn nên phát triển giáo dục trên phương tiện truyền thông thay vì luật hóa các vụ việc tung tin đồn. Thêm vào đó, 67% cho rằng việc xác minh thông tin là của các nhà báo, chính quyền và bộ máy luật pháp không nhất thiết phải đóng vai trò thông báo thông tin giả mạo và sai lệch.

Nguồn: An Bình/Chinhphu.vn

Các tin khác