Tin tức sự kiện
Cựu điệp viên Nga bị đầu độc: Đâu là sự thật?
08:40, 20/03/2018 (GMT+7)
Vụ cựu nhân viên tình báo Nga Sergey Skripal, 66 tuổi, bị đầu độc mới đây tại thành phố Salisbury (Anh) đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và Anh trở nên căng như dây đàn. Mặc dù Mỹ, Đức, Pháp… đang đồng thanh ủng hộ quan điểm của Chính phủ Anh nhưng họ cũng chưa đưa ra được bằng chứng gì khả dĩ chấp nhận được cho lời buộc tội này. Vậy Sergey Skripal là ai? Tại sao ông ta lại bị đầu độc?
“Mong ước nhung lụa” và cái kết đắng cay cho một tình báo viên đầy năng lực
Lực lượng chống vũ khí hóa học của quân đội Anh khảo sát hiện trường tại Winterslow gần Salisbury (Anh), ngày 12/3/2018 - Ảnh: Reuters |
Trong cuốn sách “Sự trớ trêu của cuộc đời phản gián” mà cựu đại tá tình báo Nhikolai Luzan là tác giả, người ta biết đến một Sergey Skripal xuất thân là lính dù đặc biệt tinh nhuệ, từng thường xuyên có mặt ở “những điểm nóng”. Rời đơn vị lính dù, S.Skripal vào học tại Học viện Ngoại giao quân sự. Ra trường, trở thành một điệp báo viên và được cử đi làm việc tại Malta. Trong thời gian này, S.Skripal được đánh giá là một chuyên gia năng động, quyết đoán, có năng lực giải quyết các điệp vụ khó khăn và giỏi "moi" tin tức. Yếu điểm lớn nhất trong mỗi chuyến công tác của Skripal là mong muốn một cuộc sống, sinh hoạt đủ đầy.
Vào những năm 1990, với mức lương chỉ khoảng 700 USD/tháng quả là rất khiêm tốn nếu muốn có nhà, có ô tô riêng… Trong những lần đi công tác, S. Skripal âm thầm nhập rượu vang từ Tây Ban Nha về để kiếm thêm. Và như một sự tất yếu, “đối tác” của Skripal không phải ai khác mà chính là Pavlo Miller - điệp báo viên của MI-6 (Anh). Việc tuyển dụng làm việc "hai mang" bắt đầu vào năm 1995 và kéo dài trong 4 năm. Với lý do sức khoẻ yếu, S. Skripal rời cơ quan tình báo để về làm việc tại Bộ Ngoại giao Nga và cũng chỉ sau một thời gian ngắn, ông ta về đầu quân cho bộ máy của thị trưởng thủ đô Moscow. Sự hợp tác với MI-6 bắt đầu bị cắt đứt.
Trong thời gian cộng tác với tình báo Anh, S. Skripal đã bán đứng cho phía bên kia 300 đồng nghiệp của mình. Đổi lại, ông ta nhận được của MI-6 số tiền không nhỏ cũng không lớn (vào thời bấy giờ) là 100.000 USD. Số tiền này, S. Skripal dùng để mua căn hộ cho con trai tại Moscow, nhà nghỉ ở tỉnh Tver (cách Moscow khoảng 200 km), mua ô tô và để sửa nhà. Xem ra vị cựu đại tá tình báo đã biết dừng đúng lúc nếu vào năm 2004, ông ta bỏ ý định nối lại quan hệ với MI-6 khi lọt vào vòng ngắm của cơ quan tình báo Nga vì vị cán bộ hưu trí này đã quan tâm thái quá đến công việc của các cựu đồng nghiệp. Bị kết tội 13 năm tù với sự quản thúc đặc biệt và con người này dường như bị chìm vào quên lãng nếu không có sự trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ, trong số đó có S. Skripal.
Cho đến trước khi bị bắt giam, vợ của S. Skripal hoàn toàn không hề biết chồng mình làm việc “hai mang”. Vợ chồng Skripal chọn thành phố Salisbury để định cư có lẽ do đây cũng chính là nơi mà Pavlo Muller, người đã tuyển dụng ông ta cho MI-6, sinh sống. Trong thành phố này còn có Trung tâm quốc phòng chuyên sản xuất các chất độc hại mà trong phần sau của bài viết này sẽ còn được nhắc tới.
Cách đây vài năm, bà Skripal đã chết vì ung thư, còn người con trai cũng mới mất vì bệnh suy thận ở St. Petersburg vào năm ngoái. Cô con gái Yulia cứ bay đi bay về vì vẫn chưa có quốc tịch của Anh.
Salisbury - mảnh đất tĩnh mà không lặng
Trên trang Blog của mình, Craig Murray - cựu Đại sứ Anh tại Nga mới đây đã viết: “Truyền thông Anh khi biết rằng hơi độc gây tê liệt thần kinh Polonius do Nga sản xuất đã nhất loạt khẳng định rằng V. Putin là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước cái chết của Alekxandr Litvinyenko (cựu nhân viên tình báo Nga chạy sang Anh và đã chết vì bị đầu độc tại đây năm 2006). Tuy nhiên, tất cả lại dường như lờ đi một sự thật là chỉ cách nơi xảy ra vụ việc có 8 dặm Anh là một kho lưu trữ hơi độc làm tê liệt thần kinh lớn nhất Tây Âu”.
Kho lưu trữ mà Craig Murray đã nhắc đến thực chất là cơ sở nghiên cứu quân sự Proton-Down. Tại đây còn có Trung tâm Phòng chống vũ khí hoá học và Phòng thí nghiệm về khoa học và kỹ thuật quốc phòng (DSTL).
DSTL được xây dựng tại làng Porton từ hơn 100 năm trước vào thời Thế chiến thứ nhất. Theo thừa nhận của London thì hồi những năm 1950-1960, chất độc hoá học CS (truyền thông Anh sau đó đã làm rõ zarin là thành phần chính của CS) đã được sản xuất tại đây. Cũng tại Porton-Down hồi giữa những năm 1950, hơi độc VX đã được điều chế và sản xuất (theo các chuyên gia, VX chính là hơi độc đã được sử dụng để ám sát người được cho là Kim Jong Nam tại Malaysia). Năm 1953, anh lính Ronald Maddison mới 20 tuổi đã tình nguyện thử nghiệm một loại vaccine phòng cúm, theo như được thông báo, nhưng thực chất là “làm vật tế thần” cho zarin. Báo chí Anh đã vào cuộc và phải đợi đến năm 2004, cuộc điều tra về cái chết của Ronald Maddison mới được chính thức tiến hành để 4 năm sau, Bộ Quốc phòng Anh buộc phải chi trả 3 triệu bảng đền bù cho những tình nguyện viên của vụ việc này.
Năm 2003, người ta tìm thấy xác tiến sĩ, chuyên viên của DSTL David Kelly trong khu rừng ngay cạnh Porton mà theo thông báo chính thức là do tự sát. Tuy nhiên, theo BBC, David Kelly đã có bằng chứng rằng nguy cơ tấn công bằng vũ khí hoá học tại Iraq rõ ràng là đang bị phóng đại. Còn Daily Mail thì khẳng định máy tính và các tài liệu liên quan đến công việc của Kelly đã bị đánh cắp tại nhà riêng của ông.
Hai năm trước khi xảy ra cái chết bí ẩn của Kelly, tại California, nhà khoa học tên là Larry Ford, người đã từng cộng tác với Kelly chết tại nhà riêng và theo thông báo chính thức của cảnh sát thì ông ta tự sát bằng súng. Còn học trò của Kelly là Pol Norman đã tử nạn khi chiếc phi cơ cá nhân bị nổ vào năm 2004!
Năm 1989, Vladimir Pasechnik - chuyên gia về vi sinh, người đã leo lên tới chức thiếu tướng của quân đội Liên Xô, chạy sang Anh và đã cung cấp cho London một loạt thông tin tuyệt mật về quá trình sản xuất và thử nghiệm vũ khí hoá học của quân đội Xô Viết. Trong khoảng 10 năm, Pasechnik làm việc tại phòng thí nghiệm chuyên về sinh học ở “Porton-Down”. Năm 2000, ông ta lập công ty riêng. Ngày 21/11/2001, xác ông ta được phát hiện tại nhà riêng và tai biến được thông báo công khai là nguyên nhân của sự ra đi này.
Nếu những uẩn khúc được loại trừ thì quả thực ngôi làng Porton, nơi cách Salisbury chỉ vẻn vẹn hơn chục km là vùng đất “nhiều ma”. Tương tự như những trường hợp đã nêu ở trên, có tất cả 11 cái chết không hề thuận theo tự nhiên đã xảy ra có liên quan đến mảnh đất này.
Các giả thuyết về sự đầu độc bố con Skripal
Theo các thông tin chính thống thì hơi độc gây nên cái chết của bố con Skripal chính là “Novichok” được sản xuất vào những năm 1980 tại Uzbekistan (nước cộng hoà tại vùng Trung Á thuộc Liên Xô) mà một trong những “cha đẻ”của nó là Vil Mirzayanov, chuyên gia Xô Viết trong lĩnh vực vũ khí hoá học. Năm 1992, Mizayanov công bố cuốn sách của mình trong đó mô tả quá trình sản xuất “Novichok” mà trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông ta nói rằng một số quốc gia có thể căn cứ vào đó để sản xuất ra loại hơi độc này. Vil Mizayanov bỏ sang Mỹ và định cư từ 1995 đến nay.
Sau vụ việc đầu độc bố con Skripal không lâu, chính Mizayanov đã nêu lên giả thuyết của mình rằng người ta đem từng phần riêng lẻ của hợp chất “Novichok” trong các hộp nhựa như dạng viên con nhộng vào Anh, sau đó mới dung hoà lại để đầu độc đối tượng. Tuy nhiên, hôm 16/3, khi trả lời phỏng vấn báo chí (trong đó có BBC), Mizayanov lại đính chính rằng rất khó để tổng hợp thành “Novichok”nếu quá trình này không có sự trợ giúp bài bản và quy củ. Mặc dù ủng hộ quan điểm của Chính phủ Anh về buộc tội Nga đứng đằng sau vụ việc này nhưng Mizayanov cũng không đưa ra được những lập luận gì thực sự có sức thuyết phục.
Truyền thông tại Anh nghiêng nhiều về giả thuyết rằng đã có kẻ nào đó lẻn vào căn hộ của Yulia (con gái S. Skripal) để tẩm “Novichok” vào tư trang của cô. Tuy nhiên, giả thuyết này dường như cũng làm cho Chính phủ của bà Theresa May lăn tăn.
Bác lại giả thuyết này, Igor Nhikulin - cựu chuyên gia của Ủy ban trực thuộc Liên Hợp Quốc về vũ khi sinh học và hoá học tại Iraq và Libya cho rằng điều này là không thể vì chỉ cần 2 gr hoạt chất này đã có thể gây tử vong 500 người. Và chủ nhân của chiếc vali bị tẩm độc sẽ chết ngay sau đó 5 phút. Chiếc vali chứa độc tố có thể gây tử vong cả máy bay chứ không thể được chở đến Anh một cách vô sự. Trả lời câu hỏi về khả năng tổng hợp tại chỗ hơi độc này, Nhikulin cho rằng bằng các kỹ thuật tiên tiến, Chính phủ Anh có thể đưa ra các bằng chứng buộc tội Nga nếu điều này là có cơ sở. Cũng theo I.Nhikulin, vào những năm 1990, Mỹ đã cùng với Uzbekistan chôn lấp và tiêu huỷ toàn bộ kho lưu trữ “Novichok” và phía Washington đã phải chi 4 triệu USD cho công tác này. Nhikulin cho rằng rất có thể S. Skripal đã trở thành nạn nhân của đường dây buôn lậu “Novichok” đã quá “đát”?
Trả lời tờ Vzglyad mới đây, Yakov Cedmi - cựu Giám đốc Cục An ninh quốc gia Israel (Nativ) đã giải thích lý do tại sao chính phủ của ông không tham gia vào tuyên bố buộc tội Nga của 4 quốc gia gồm Anh, Mỹ, Đức và Pháp vì: “Anh yêu cầu các đồng minh ủng hộ mình dựa trên 2 tiêu chí là: Buộc tội về hành vi đầu độc và buộc tội Nga như là người chủ mưu. Phía Israel chỉ ủng hộ vế thứ nhất và kiên quyết từ chối việc buộc tội Nga”. Cedmi còn giải thích thêm: “Rất là không chuyên nghiệp nếu loại độc tố được sử dụng mà người ta lại biết ngay ai đó là tác giả. Nếu theo ý kiến của Chính phủ Anh thì tôi cho rằng hơi độc được sử dụng trong trường hợp này không thực sự hiệu quả vì dẫu sao vẫn để lại dấu vết…”.
Ẩn số sau cái chết của bố con Skripal có thể mãi mãi bí ẩn, nhưng cũng có thể đến một ngày nào đó nó sẽ được giải mã nếu một trong những “kẻ đã ném đá” vén bức màn bí mật về điều này?
Nguồn: Phạm Hoàng/Chinhphu.vn