Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngoài việc phản ánh tiếng nói của nhân dân, nhiều trường hợp báo chí không chỉ phản biện mà còn là cố vấn, tư vấn về chính sách. Có chủ trương, chính sách đã được thông qua, nhưng qua phản biện của báo chí phản ánh ý kiến của chuyên gia, nguyện vọng của người dân thì Chính phủ đã xem xét, bỏ phiếu lại.
Ngày 27-2, tại Báo Nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân tổ chức giao ban báo chí đầu Xuân Mậu Tuất 2018.
Dự buổi giao ban có đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Cùng dự giao ban báo chí còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và nhiều nhà báo lão thành; lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương…
Tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng và đánh giá, năm vừa qua, cùng với Chính phủ, báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn sự đồng hành, sát cánh của báo chí. |
Theo Phó Thủ tướng, ngoài việc phản ánh tiếng nói của nhân dân, nhiều trường hợp báo chí không chỉ phản biện mà còn là cố vấn, tư vấn về chính sách. Có chủ trương, chính sách đã được thông qua, nhưng qua phản biện của báo chí phản ánh ý kiến của chuyên gia, nguyện vọng của người dân thì Chính phủ đã xem xét, bỏ phiếu lại.
“Cá nhân tôi ngày nào cũng ít nhất một lần gọi điện, nhắn tin cho nhiều đồng chí đứng đầu bộ, ngành về thông tin trên báo chí, có những thông tin xử lý mà không cần ra văn bản. Chính phủ luôn trân trọng sự đồng hành, sát cánh của báo chí”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho hay, năm 2018, Chính phủ đề ra phương châm hành động trong 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Phương châm đó không chỉ được thực hiện đối với các thành viên Chính phủ, trong toàn thể bộ máy hành chính nhà nước, hệ thống chính trị mà còn cần được lan tỏa ra toàn xã hội, kể cả báo chí.
Phó Thủ tướng kỳ vọng, đội ngũ những người làm báo tiếp tục nỗ lực phấn đấu không ngừng vươn lên, cổ vũ mạnh mẽ cho cái mới, khơi dậy sự sáng tạo của từng cá nhân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Cũng tại buổi giao ban báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, bên cạnh dòng thông tin chân thực và tích cực là thông tin chủ đạo, thì vẫn đầy rẫy thông tin độc hại, không chỉ làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước mà còn xâm phạm đến quyền tự do riêng tư của người dân, trong đó có nhiều sự rủi ro khó có thể dùng luật pháp, biện pháp hành chính để ngăn chặn.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước, người dân kỳ vọng báo chí định hướng bằng những thông tin chân thực, kịp thời, có trách nhiệm và có sức thuyết phục. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, báo chí đã bước đầu gánh vác được sứ mệnh đó, nên dù số người sử dụng Internet và mạng xã hội bằng 70% (60 triệu người), thì công chúng vẫn tin vào dòng thông tin chân thật, có thể kiểm tra trên báo chí.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, trong thư gửi lớp học báo chí năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý, một tờ báo không được đại đa số dân chúng “ham chuộng” thì không xứng đáng là một tờ báo. Câu nói của Bác Hồ đến nay vẫn mang nguyên tính thời sự và vẫn giữ nguyên giá trị.
Hiện có rất nhiều tờ báo có rất ít độc giả, thu nhập từ hoạt động báo chí không đủ trang trải cho các chi phí, một số báo ngành, báo điện tử phải được trợ cấp từ ngân sách, nhiều báo khác cũng phải dùng thủ thuật, thậm chí thủ đoạn để ép doanh nghiệp đăng quảng cáo để nuôi sống mình.
Bởi vậy, tới đây sẽ xóa bao cấp triệt để đối với các báo, tạp chí, ít hữu dụng đối với xã hội. Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, sẽ xử lý nghiêm hơn đối với các cơ quan báo chí đăng, phát tin bài không đúng sự thật, và các tin, bài xâm phạm đời tư, xúc phạm đến danh dự, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Năm 2018, Bộ TTTT sẽ tiếp tục rà soát tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, vi phạm của những tờ báo nếu không chấn chỉnh sẽ buộc xử lý nghiêm hơn, trong đó có cả rút giấy phép, đình bản. Ngoài các giải pháp đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân là những nạn nhân của báo chí kiện ra tòa để đòi công bằng.
Nhà báo Hồng Vinh: "Nhà báo không có tuổi hưu"
Nhà báo Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ rằng: “Nghề báo không có tuổi hưu. Chúng tôi vui mừng và tự hào vì trong thành tựu của báo chí 2017, chúng tôi có góp sức nhỏ. Năm nay, dư luận xã hội, báo chí và nhiều cán bộ lão thành tâm huyết đều cho rằng, thành tựu về đối nội, đối ngoại, về an ninh quốc phòng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng đã tạo được sự đồng thuận xã hội, “thiên thời địa lợi nhân hòa”, “thế nước đang lên, vận nước đang tới”. Cho dù nói cách nào thì đều có sự đóng góp tích cực và quan trọng của báo chí”.
.