Kinh tế thế giới tháng 11 tiếp tục tăng trưởng khả quan. Kinh tế tại Khu vực đồng euro, ASEAN và Trung Quốc tăng trưởng tốt. Kinh tế Mỹ, Nhật Bản vẫn tiếp tục đà phục hồi.
Thương mại thế giới tiếp tục phát triển tốt. Nhiều hiệp định đối tác và hội nhập kinh tế đã được ký kết và thảo luận sâu sắc hơn trong tháng 11, trong đó cần kể đến các hiệp định nổi bật như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Cộng đồng kinh tế AEC và các đối tác.
Ảnh minh họa |
Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP quý 3/2017 của Mỹ đạt 3,3%. Đây là kết quả kinh doanh mạnh nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ quý 3/2014 và cũng là lần thứ 2 vượt qua mục tiêu 3% mà Tổng thống Donald Trump đặt ra.
Khu vực châu Âu dự báo tiếp tục triển vọng tăng trưởng khả quan. Kinh tế Anh tiếp tục đà tăng trưởng trong quý 3, tăng 0,1% so với mức tăng quý II nhờ tiêu dùng tăng mạnh. Kinh tế Đức phát triển vững mạnh, nhờ sự tăng trưởng của khu vực sản xuất hàng hóa, tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao.
Kinh tế Nhật Bản đang trong chuỗi tăng trưởng dài nhất trong 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản được giữ ổn định ở mức 0,7%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chương trình chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào ngày 30-31/10. BOJ quyết định tiếp tục chương trình kích cầu của mình cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Kinh tế Trung Quốc tháng 11 tiếp tục duy trì các chỉ số kinh tế tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tốt, nhưng mức thặng dư thương mại đã giảm. Chỉ số PMI đang trong đà giảm từ các tháng trước. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2017, thấp hơn so với mức tăng trưởng đạt được 6,7% vào năm ngoái.
Các nền kinh tế ASEAN được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trong những năm tới nhờ sự hội nhập khu vực ngày càng lớn, việc kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt và công cuộc cải cách tiếp tục được thực hiện. Tăng trưởng GDP toàn khu vực ước đạt 5,3% trong quý 3, cao hơn mức 5,0% của quý 2 trong khi tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ, trong tháng, Ngân hàng trung ương Thái Lan và Malaysia quyết định không đổi tỷ lệ lãi suất, trong khi Indonesia đã tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng trước.
Sẽ đạt đỉnh năm 2018
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngày 28/11, đã công bố báo cáo mới nhất dự báo năm 2018 tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây. Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn...
Theo OECD, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng 3,6% trong năm nay, sau đó sẽ tăng lên 3,7% vào năm 2018 và lùi lại về mức 3,6% vào năm 2019. Tổ chức này cũng dự báo Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng vượt các nền kinh tế phát triển lớn khác, với tốc độ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, song dự báo sẽ giảm xuống lần lượt 2,1% và 1,9% vào năm 2018 và 2019. Số liệu này đã có sự điều chỉnh tăng so với dự báo của OECD hồi tháng 9 vừa qua, vốn chỉ ở mức 2,1% năm 2017 và 1,9% năm 2018.
OECD cũng dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay và tăng lên mức 2,5% vào năm tới, nhờ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập. Đối với Trung Quốc, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm nay, song tỷ lệ này giảm xuống còn 6,6% trong năm 2018 do xuất khẩu giảm sút.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của tổ chức kinh tế danh tiếng Conference Board, có trụ sở tại New York cho biết, sau khi tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ duy trì được đà hiện nay, đạt mức tăng trên 3% trong cả năm 2018. Ông Bart van Ark, chuyên gia thuộc Conference Board cho biết, tăng trưởng toàn cầu đã thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.
Cũng chung nhận định “tươi sáng” cho bức tranh kinh tế năm 2018, trong bài viết “Nền kinh tế thế giới 2018”, tác giả Michael Spence, Giáo sư kinh tế Trường Đại học New York, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 nhận định, với các nước phát triển, năm 2017 dường như là khoảng thời gian nhiều nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện các căng thẳng, sự chia rẽ và phân cực về chính trị ở cả trong nước và quốc tế. Trong dài hạn, kinh tế thế giới có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính trị-xã hội. Cho đến nay, các thị trường và nhiều nền kinh tế đã tránh được các tác động mạnh từ những bất ổn chính trị. Nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn.
.