Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU), đang họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), vừa quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Thông báo trên trang Twitter sau ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Chủ tịch EU Donald Tusk xác nhận lãnh đạo các nước EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/1/2018. Dự kiến, quyết định này sẽ được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua trong vài ngày tới.
Các biện pháp trừng phạt này được đưa ra từ mùa Hè năm 2014 và được gia hạn sau mỗi 6 tháng, do EU cáo buộc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.
Nga cũng đã đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU bằng một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là 6 tháng.
Thiệt hại cho tất cả các bên
Theo kết luận được đưa ra trong bản báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc về vấn đề tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người, do báo cáo viên Idris Jazairi thực hiện, công bố hồi tháng 9 năm nay cho thấy, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD, trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.
Để thực hiện báo cáo trên, trong tháng 8 năm nay, ông Idris Jazairi đã đến Moscow tiến hành nghiên cứu và gặp đại diện chính phủ, doanh nghiệp, Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao… Từ đó, ông rút ra kết luận những biện pháp trừng phạt Nga là phản tác dụng, bởi vì quá trình toàn cầu hóa khiến những biện pháp trừng phạt đụng chạm đến cả chính những quốc gia khởi xướng.
Tuy nhiên, ông Idris Jazairi cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt có thể là “nguyên nhân làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong giai đoạn 2014 – 2016 trung bình ở mức tối đa 1%”, đồng thời làm số người sống ở mức nghèo đói tăng lên.
Gần đây nhất, Tổng thống Cộng hoà Séc Milos Zeman kêu gọi Nga và các nước phương Tây từ bỏ những biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
Tổng thống Zeman bày tỏ sự phản đối về các biện pháp trừng phạt mà EU, trong đó Séc là một quốc gia thành viên, áp đặt chống Nga, cũng như các biện pháp trả đũa của Nga. Theo ông Zeman, đã đến lúc kết thúc các biện pháp trừng phạt nhau vì chúng gây thiệt hại cho tất cả các bên.
.