Đề cập đến nội dung "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Tờ trình và Báo cáo của Bộ Chính trị đã nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết và phạm vi của Đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Bộ Chính trị nhận thấy, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới.
Tuy nhiên, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.
Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị tập trung nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Đồng thời, từ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý nơi công tác; nghiên cứu, vận dụng các bài học được rút ra từ tổng kết lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới, tập trung đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, bổ sung hoàn thiện quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề: Phải chăng cần đặc biệt chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là tổ chức bộ máy bên trong từng cơ quan, đơn vị.
.