Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm nay (12/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả.
Tất cả cùng làm mới tạo chuyển động mạnh mẽ
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri |
Nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào những nỗ lực, kết quả mà Đảng, Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết trong thời gian gần đây, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và công tác cán bộ.
Cử tri cho rằng, Đảng đã nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém, đấu tranh quyết liệt với sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; khẳng định quyết tâm Đảng ta không bao giờ khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
Đa số ý kiến cử tri hoan nghênh việc đưa ra xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp. Cử tri mong muốn, Trung ương và địa phương phải cùng hành động. Toàn Đảng, toàn dân và cả nước cùng làm thì mới tạo chuyển động mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện.
Cử tri đề nghị nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính ổn định, lâu dài, tránh vừa ban hành đã sửa, giảm tối đa tình trạng luật chờ nghị định, thông tư hướng dẫn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như vấn đề nợ công; làm sao để việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tránh thất thoát, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; nạn tàn phá rừng đang lên đến mức báo động; vấn đề cải cách, tinh gọn bộ máy Nhà nước…
Nguồn sinh lực mới, sức sống mới
Cảm ơn những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm và hết sức phong phú của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mỗi cuộc tiếp xúc cử tri như tiếp thêm nguồn sinh lực mới, sức sống mới, thêm sức mạnh, niềm tin, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu biết thêm thực tiễn, từ đó làm tốt công việc của mình.
Trao đổi về từng vấn đề cử tri nêu, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải bình tĩnh xem xét mọi mặt, với phương châm biện chứng, lịch sử, cụ thể, toàn diện, nhìn về tương lai, hướng vận động phát triển… như Bác Hồ dạy, cốt để sửa, để tiến bộ, trưởng thành, tốt nhất là tự giác thấy mà sửa; nhưng cũng phải thấy hết những thành tích, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân ta.
|
|
Tổng Bí thư chỉ rõ: Từ sau Đại hội XII đến nay, đất nước ta có bước chuyển mình, kinh tế-xã hội ổn định hơn, quan hệ đối ngoại, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao. Nhìn tổng thể, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như thế này. Tự hào về những thành tựu, kết quả đã đạt được, tuy nhiên: “Chúng ta không được chủ quan, thách thức còn nhiều, còn gian nan, ngay từ trong nội bộ, đấu tranh mà giữ được ổn định để phát triển, đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ. Xử lý không phải là cốt để xử lý, cứ tử hình, xử lý thật nặng mới tốt, mà cái chính là làm cho người ta giác ngộ, tự nhận thấy để tiến lên, để thu hồi cho được nhiều tài sản, để tất cả mọi người đừng đi theo vết xe đổ ấy…”.
Kỳ họp Trung ương vừa qua thống nhất rất cao, bầu bổ sung Ban Bí thư với số phiếu rất tập trung, xử lý cán bộ rất nghiêm khắc.
Về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đúng như ý kiến cử tri đã chỉ ra, cấp trên làm mạnh hơn cấp cơ sở, các địa phương phải cùng làm, tất cả cùng vào cuộc, phê phán chỗ khác nhưng mình vẫn chẳng có gì thì không tiến bộ được. “Các bác nêu ý kiến rất sâu sắc, cả mặt được và không được, cái gì tiến bộ thì phải làm tiếp, dân ủng hộ. Nếu mất lòng tin của dân là mất tất cả, từng người phải chuyển, tất cả phải chuyển, vì trách nhiệm với đất nước này”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Xử lý để cảnh tỉnh cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa
Đặt vấn đề tại sao việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm lại được nhân dân hoan nghênh, đồng tình như vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả.
Lấy của công làm của mình, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… không phải chỉ nước mình mới có, không phải bây giờ mới có, mà đã có từ xa xưa. Cách đây 90 năm, Bác Hồ đã viết tác phẩm: “Đường cách mệnh” và phần đầu tiên trong cuốn sách là viết về tư cách người cách mạng. Năm 1947, Bác lại viết “Sửa đổi lối làm việc” về giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng… Qua đó để thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một công việc khó khăn phức tạp, phải kiên trì, kiên quyết, giải quyết được việc này nó lại ra việc khác, xong việc này lại ra việc khác. Đây là cuộc chiến đấu cam go gian khổ, cho nên phải kiên quyết, kiên trì, phải có cách làm đúng, phương pháp đúng, trên dưới một lòng.
Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước là phải làm, càng khó càng phải làm, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Trong xử lý vi phạm, ta cũng rất nhân văn, xử một vài người để cứu muôn người, để cảnh tỉnh cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta. Bởi vậy, phải hết sức bình tĩnh, làm cho có hiệu quả, không gây xáo trộn xã hội, tất cả cùng làm, không ai đứng ngoài cuộc.
Mượn dẫn lời thơ Tố Hữu: “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại; Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?” Tổng Bí thư nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tự giác nhìn lại, phải tìm cách tự mình đứng dậy.
Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về công tác tổ chức cán bộ, Tổng Bí thư chỉ rõ: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cán bộ là gốc. Phải có phương thức lãnh đạo, phương thức làm việc cho đúng.
Hội nghị Trung ương 6 vừa qua thành công chính là chấn chỉnh một bước về tổ chức cán bộ, phương thức lãnh đạo và hiệu quả làm việc của cả hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ phải hết sức gương mẫu. Tổ chức bộ máy phải trong sạch. Tất cả phải cùng làm.